Đi tìm đại gia gỗ Đồng Kỵ chi chục tỷ mua "cụ" sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh
Chuyện một “đại gia” gỗ Đồng Kỵ chi chục tỷ mua cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc (Thuận Thành – Bắc Ninh) nảy sinh nhiều tình huống cười ra nước mắt.
Bài 1: Đánh nhau đổ máu vì chuyện tranh làm thư ký cuộc họp bán sưa hàng chục tỷ đồng
Những ngày này, dư luận xôn xao về câu chuyện mua bán một cây sưa 200 năm tuổi ở đình làng Đông Cốc (thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh).
Cây sưa được chính quyền xã đấu giá bán 24,5 tỷ đồng trong khi trước đó, từng có người hỏi mua với giá 49 tỷ đồng khiến nảy sinh mâu thuẫn.
Khu vực đình làng Đông Cốc với những cây sưa trăm tuổi bên trong khuôn viên - (ảnh: Nhất Nam).
Để làm rõ câu chuyện bán cây sưa 200 tuổi, PV báo Người Đưa Tin đã tìm về đình làng Đông Cốc để tận nghe những người trong cuộc kể lại tường tận.
Đánh nhau đổ máu vì chuyện bán "cụ" sưa
Cách sông Đuống không xa, đình làng Đông Cốc là nơi thờ các vị thần từ thời nhà Đinh và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng di tích lịch sử năm 1992. Khuôn viên đình chùa liền nhau với diện tích lên đến cả ngàn mét vuông. Nơi đây, có cảnh quan khá đẹp với ao, cầu và những tường xây, rào sắt bao quanh, khoảng sân, vườn rộng rãi và cây cối tỏa bóng mát.
Trong khuôn viên của đình làng Đông Cốc hiện có 3 cây sưa có giá trị nhất. Trong đó, cây lớn nhất là hơn 400 năm tuổi, tươi tốt, nằm ngay cạnh mái đình. Một cây sưa khác khoảng 50 tuổi và một cây sưa 200 năm tuổi.
Cây rao bán là cây sưa 200 tuổi nằm ngay sát cổng đình. Hiện, thân cây đã bị khô héo đến 1/3. Cây có đường kính lớn (khoảng 2 người ôm), thân cây cao, dài cả chục mét.
Cây sưa 200 tuổi có đường kính khá lớn, một người ôm không hết - (ảnh: Nhất Nam).
Tiếp xúc PV, nhiều người dân thôn Đông Cốc cho biết: Kế hoạch bán cây sưa này nhận được sự đồng thuận của nhân dân từ khoảng những năm 2012. Sau nhiều cuộc họp bàn đến đầu năm 2016, thuận theo ý người dân, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh đã cho phép chính quyền xã được khai thác bán sưa lấy tiền phục vụ xây dựng nông thôn mới và trùng tu di tích đình làng.
Mâu thuẫn nảy sinh khi chính quyền xã mới đây thông báo việc đấu giá bán sưa thành công với giá 24,5 tỷ đồng trong khi đó nhiều người dân cho rằng giá trị cây sưa phải cao hơn bởi trước đó từng có người hỏi mua với giá 49 tỷ đồng.
Đỉnh điểm mâu thuẫn là trong cuộc họp “triển khai kế hoạch hạ giải cây sưa cho người trúng đấu giá” diễn ra tại nhà văn hóa thôn Đông Cốc hôm 7/12, anh Nguyễn Văn Đoàn (SN 1989, một người dân trong thôn) đến tham gia họp đã bị anh Nguyễn Văn Tiên (một người dân khác trong thôn) dùng ghế nhựa đánh chảy máu đầu trước sự chứng kiến của lãnh đạo xã Hà Mãn và công an huyện.
Ông Nguyễn Văn Hy (bố anh Đoàn) cùng nhiều người dân tham gia cuộc họp cho biết: Buổi họp vừa mới bắt đầu, khi công bố thư ký cuộc họp là một cán bộ xã nên người dân không đồng ý mà muốn nêu ý kiến cho một người trong làng lên làm thư ký thay vị cán bộ.
Tuy nhiên, khi một số người đứng lên phát biểu thì bị ngăn cản. Lúc này, anh Nguyễn Văn Tiên cũng là người trong thôn bất ngờ vụt anh Đoàn khiến anh Đoàn máu mê bê bết ở mặt trước sự chứng kiến của lãnh đạo xã, huyện khiến người dân bất bình.
Theo nhiều người dân, nguyên nhân sâu xa của sự việc là do người dân trong thôn không đồng ý bán cây sưa 200 tuổi bởi giá 24,5 tỷ bị cho là quá rẻ.
“Mấy năm trước, người dân trong làng rao bán cây sưa hơn 200 tuổi với giá 50 tỷ đồng. Khi đó, bà Nguyễn Thị Hợp (ở TP Bắc Ninh) có trả 49 tỷ để mua cây sưa này và đã nhất trí bán. Nhưng vừa rồi, xã yêu cầu bà Hợp trong thời gian ngắn phải nộp số tiền trên, không có tiền thì cắt hợp đồng. Sau đó, năm nay, chính quyền xã đã bán đấu giá cây sưa này với giá 24,5 tỷ nhưng người dân trong thôn không đồng ý và cho rằng đó là giá quá rẻ mạt”, một số người dân cho biết.
Cụ từ trong chùa bên gốc sưa 200 năm tuổi đã kể cho PV những chuyện "cười ra nước mắt" - (Ảnh: Nhất Nam).
Cũng theo người dân địa phương, việc đấu giá cây sưa có dấu hiệu “mập mờ” khi trước hôm đấu giá người dân không hề được hỏi ý kiến, không hề được định giá.
“Cây sưa này các cụ và dân làng, cán bộ địa phương đã giao cho BQL di tích trông nom ngày đêm. Khi bán đấu giá, chính quyền lại không có ý kiến gì với nhân dân. Cây sưa của làng Đông Cốc nằm ở đình làng mà chính quyền mang tận lên Hà Nội để tổ chức bán đấu giá là không hợp lý, sao không về đây đấu giá công khai cho toàn dân biết?”, một số người dân đặt câu hỏi.
Hé lộ danh tính đại gia gỗ Đồng kỵ chi 24,5 tỷ mua cây sưa 200 tuổi
Làm việc với PV, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn - Nguyễn Văn Hiến cho biết: Việc đấu giá cây sưa hoàn toàn công khai đã được sự cho phép của các cấp chính quyền. Xã cũng đã thông báo, tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham gia của nhân dân.
Cuộc ẩu đả diễn ra hôm 7/12, khiến một người bị thương tích - (ảnh: Cắt từ clip của VTC14).
Theo ông Hiến, sau khi được chính quyền các cấp nhất trí, xã đã mời các công ty về thẩm định giá và đấu thầu. “Thẩm định giá và đấu giá họ làm theo luật của họ. Sau đó công ty thông báo trên các phương tiện báo chí, niêm yết công khai ở Ủy ban, ở dưới cây… Việc này của người ta làm, chúng tôi không can thiệp. Làm quy trình xong thì người ta mời ra Hà Nội nghe phiên đấu giá. Phiên đấu giá diễn ra công khai và có 5 người tham gia. Giá cao nhất được đưa ra là 24,5 tỷ và người trúng đấu giá là ông Nguyễn Văn Hùy ở Đồng Kỵ (Từ Sơn – Bắc Ninh)”, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn nói.
Ông Hiến cho hay, sau khi bỏ thầu xong, về họp ở bên dưới các hội nghị ở thôn thì người dân nói giá (24,5 tỷ) rẻ nên chúng tôi đã báo cáo huyện cho dừng lại một tuần và đề nghị người dân giới thiệu đối tác liên hệ vào thôn để mua bán. “Tuy nhiên, họp hôm 6/9 thì đến ngày 13/9, vẫn không có ai đến nên thôn lại đề nghị họp với sự tham gia của xã và mời bên trúng thầu sang để bàn về việc khai thác… Tôi là Chủ tịch Ủy ban, tôi không nói sai”, ông Hiến nhấn mạnh.
Anh Đoàn bị khâu 6 mũi sau cuộc ẩu đả diễn ra tại hội nghị của thôn - (Ảnh: Nhất Nam).
Về việc ẩu đả đổ máu trong cuộc họp, ông Hiến cho rằng, giữa anh Hiến và anh Đoàn trước đó có nảy sinh mâu thuẫn nên xảy ra sự việc. Vị lãnh đạo xã còn cho rằng, trước khi đến cuộc họp anh Đoàn có sử dụng rượu, bia.
"Anh Tiên hiện đã bị bắt giữ và Công an huyện đang thụ lý vụ việc này", vị Chủ tịch UBND xã Hà Mãn nói.
Về việc này, phía người nhà anh Đoàn cho rằng, anh Tiên có họ hàng với lãnh đạo xã Hà Mãn nên họ nghi ngờ động cơ hành hung của anh Tiên trong việc này. Anh Đoàn cũng khẳng định bản thân không mâu thuẫn cũng như không uống rượu như lời lãnh đạo xã nói.
Ông Hiến cũng thừa nhận tình hình cuộc họp "rất căng" và nếu không có việc ẩu đả thì cũng có việc gây rối...!
"Từ hôm con tôi bị hành hung, gia đình anh Tiên cũng không qua thăm hỏi. Chúng tôi đã làm đơn gửi Công an huyện Thuận Thành và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh", ông Hy (bố anh Đoàn) nói.
(Còn nữa)