Đi tìm cây thuốc trong rừng đại ngàn

Một mình một “ngựa” là chiếc Vespa đời cũ, lương y Nguyễn Đức Nghĩa nhắm rừng Đạ Tẻh, Lâm Đồng, nơi được “mật báo” có cây thuốc quý.

Một mình một “ngựa” là chiếc Vespa đời cũ nhưng máy còn tốt, cùng lỉnh kỉnh đồ nghề không thể thiếu với người đi rừng tìm thuốc, gồm xẻng nhà binh đa năng (có thể sử dụng như dao, cuốc), ống nhòm, máy ảnh, hộp thuốc, đồ ăn... Chuyến đi lần này của lương y Nguyễn Đức Nghĩa nhắm rừng Đạ Tẻh, Lâm Đồng, nơi được “mật báo” có cây thuốc quý. Trời mưa, đường rừng lầy lội, trơn trượt, nhiều khi bánh xe không bám đường đưa cả người lẫn xe xuống vũng lầy…

Mạo hiểm lên non

Mưa rừng ướt sũng rồi lại khô, có khi ngày dính mưa ba bốn bận. Sức khỏe dẻo dai giúp lương y Nguyễn Đức Nghĩa ít khi lâm bệnh giữa rừng nhưng thi thoảng anh vẫn phải qua đêm trong rừng những khi thành viên trong đoàn nhiễm bệnh hoặc ráng đào thêm cây thuốc. Bây giờ ở đêm trong rừng ít nguy hiểm. Trước đây ngoài nỗi lo rừng thiêng nước độc, thú dữ, còn nỗi lo lâm tặc. Ngay cả chính quyền địa phương cũng chặn bắt vì lầm tưởng là lâm tặc. Còn lâm tặc tưởng anh là kiểm lâm, đặc tình của công an, ẩn giấu thân phận lương y, lần mò điều tra chuyện làm ăn của chúng. 

Đi tìm cây thuốc trong rừng đại ngàn - 1

Phát hiện cây thuốc trên nhánh cây nhô ra giữa dòng suối

Tại những bản làng Tây Nguyên heo hút, lần đầu tiên trong đời họ thấy một ông tự xưng là lương y, cách năm trăm cây số ở tận Sài Gòn lặn lội lên rừng tìm cây thuốc. Lâm tặc càng không tin trên đời có kẻ làm công việc vô nghĩa, mạo hiểm tính mạng chỉ vì mấy nắm lá, túi rễ cây hoặc củ quả đắng nghét của những loại cây quái lạ, vớ vẩn… Với họ chỉ đáng mạo hiểm tính mạng khi cây đó là những khối gỗ tròn, hạ xuống là bán ra tiền. 

Bây giờ nguy hiểm ít hơn nhưng không phải đã hết. Vừa đi anh vừa kể, giờ đi rừng không sợ thú dữ nhưng sợ nhất là đạp nhầm bẫy thú của bà con dân tộc. Có đủ loại bẫy, từ bẫy đập, bẫy treo, tới bẫy hầm, bẫy kẹp… Đạp trúng bẫy kẹp nếu không có người đi cùng, coi như trao mạng cho trời, vì hai ngoàm răng cưa sắt sắc lẻm với lực cực mạnh có thể đánh gãy nát ống chân các loài thú lớn như trâu rừng, hổ, gấu. Dính bẫy kẹp có thể chảy máu đến chết trước khi được cứu. Ngay cả với loại đơn giản như bẫy treo dùng để bắt nai, heo rừng, nếu bị thòng lọng treo ngược toòng teeng một chân lên trời, là là cách mặt đất khoảng một mét nhưng một mình cũng không thể tự giải thoát được.

Anh luôn nhắc thành viên trong đoàn phải đi theo lối mòn, ý tứ nhìn ngó trước sau, vừa giảng giải chi tiết cấu trúc các loại bẫy để phòng tránh. Cũng nhờ kinh nghiệm mà anh tránh được những bệnh mà hầu hết người đi rừng dễ mắc phải. Đi sâu vào rừng không hiếm gặp những dòng suối, hồ nước trong tới đáy, xanh ngăn ngắt, cả những thác nước đẹp mê hồn. Trời thì nắng, rừng lại ẩm thấp, đi lại mệt nhọc, bức bối, anh em một mực đòi nhảy xuống hồ tắm cho thỏa thích. Nhưng lương y Nghĩa cản: “Trông vậy thôi chứ suối này độc vô cùng. Anh em ráng nhịn, về tắm. Người nào xuống suối tắm, chỉ nửa tiếng sau sẽ thấy người lạnh run, sốt rét liền, không đi được”. Suối, hồ càng trong, ít người lai vãng nước càng độc, càng dễ mắc bệnh sốt rét. 

Đi tìm cây thuốc trong rừng đại ngàn - 2

Ông Nghĩa vui mừng vì đào được củ bình vôi khổng lồ nặng 120kg tại rừng Khánh Sơn, Khánh Hòa

Kể từ chuyến đi rừng tìm thuốc đầu tiên tại những cánh rừng tỉnh Phú Khánh cũ vào năm 1983, lương y Nghĩa “nghiện” vào rừng. “Tính đến nay không biết tôi đi bao nhiêu chuyến, không tính được, nhưng phải trong khoảng hai trăm tới ba trăm chuyến” - lương y Nghĩa chia sẻ. 

Những cánh rừng Sông Ray, Xuyên Mộc, Bình Châu, Mã Đà, Cát Tiên, Tánh Linh, Bù Gia Mập, U Minh, Bạch Mã, cả những dải rừng biên giới phía Bắc cũng dần trở thành quen thuộc. Lương y Nghĩa đã hai lần lên tận đỉnh Fansipan để tìm cây thuốc đem “hạ thổ” tại vườn nhà Đà Lạt, quận 9 (TPHCM) và Long Thành (Đồng Nai).

Lương y phải biết cây thuốc

Chuyến đi rừng tìm cây thuốc đầu tiên của lương y Nguyễn Đức Nghĩa vào những năm đất nước bộn bề khó khăn, le lói trong anh ý tưởng dùng cây thuốc Nam chữa bệnh. Từ đó cơ duyên đưa anh tới gặp dược sĩ, giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, người dành cả cuộc đời cổ súy chủ trương “Nam dược trị Nam nhân”. 

Thầy trò như cá gặp nước. Thầy chuyên tìm kiếm, phát hiện, bảo tồn các loại cây thuốc, vị thuốc khắp rừng sâu núi thẳm, trò là lương y trẻ đem cây thuốc cứu người. Theo gợi ý của thầy, lương y Nguyễn Đức Nghĩa mở Phòng khám y học cổ truyền Tuệ Lãn ngay tại nhà thầy ở quận 3, TPHCM. Phòng mạch hiện nay lúc nào cũng đông khách, là nơi ghé thăm, tụ tập của bệnh nhân và cả những bạn bè, thân hữu, học trò của anh từ khắp mọi miền. 

Đi tìm cây thuốc trong rừng đại ngàn - 3

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa bốc thuốc cho bệnh nhân tại phòng mạch. Ảnh: T.Đ

Nối chí thầy, ngoài việc hằng ngày bắt mạch khám chữa bệnh, anh không quên nghe ngóng, tìm hiểu những cây thuốc, vị thuốc còn lẩn khuất đâu đó trong dân gian. Lương y Nghĩa hồi tưởng: “Xưa thầy Lợi nghe có cây thuốc ở đâu là bồn chồn đứng ngồi không yên, phải đi cho bằng được. Giờ mình cũng nhiễm thói quen của thầy”. 

Anh quan niệm, là lương y phải biết cây thuốc, tác dụng chữa bệnh, cách bào chế. Vì sao anh ít sử dụng dược liệu có sẵn trên thị trường bởi đối với anh thuốc phải sạch, đảm bảo, có nguồn gốc. Muốn vậy tốt nhất là tự đi tìm cây thuốc về bào chế. Khi đã hành nghề lâu năm, anh càng thấy chủ trương sử dụng thuốc Nam là đúng. 

Thị trường dược liệu, nhất là dược liệu nhập khẩu lạm dụng chất bảo quản, không đảm bảo nguồn gốc. 50% dược liệu nhập từ nước ngoài, không rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ nhưng thấm đẫm chất bảo quản. 

“Mình hay dùng vị thuốc tên là Thiên môn đông, học trò đào trên rừng mang về bào chế. Chỉ để qua một hai đêm chưa kịp bào chế nó đã nhũn ra, nhưng mua trên thị trường, để hai ba tháng không bị mối mọt gì, chứng tỏ họ dùng rất nhiều chất bảo quản, uống vào rất nguy hiểm” - lương y Nghĩa chia sẻ.

Sau những chuyến đi, anh đã sưu tầm được hơn 1.000 cây thuốc, nhiều loài nằm trong sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Những cây thuốc này anh vừa bào chế thành dược liệu để chữa cho bệnh nhân, vừa cung cấp cho các trung tâm, vườn ươm trồng dược liệu trong cả nước để bảo tồn nguồn gien vừa khai thác lâu dài. Riêng anh cũng gây dựng được hai vườn dược liệu ở quận 9, TPHCM và Long Khánh, Đồng Nai rộng hàng ngàn mét vuông. Trong khu vườn dược liệu rộng ở quận 9 anh tự hào đã trồng, thích nghi được nhiều giống cây thuốc quý từ mọi miền đất nước. 

Trong đó có hai loại cây thuốc quý ở miền núi phía Bắc ở độ cao trên 1.000m đã thích nghi và phát triển tốt là đảng sâm chữa suy nhược cơ thể cùng nhiều loại bệnh khác và giảo cổ lam ngừa ung thư và chữa các bệnh tiểu đường, gan, mỡ nhiễm máu rất hiệu nghiệm. Giảo cổ lam đến nay chưa thấy ai trồng được ở phương Nam. Vườn thuốc của lương y Nghĩa trồng tới 200 loại cây thuốc quý từ thông thường tới khó tính, trở thành vườn thuốc kiểu mẫu được nhiều nhà dược học, các sinh viên dùng làm đề tài tốt nghiệp dược sĩ.   

Từng để lại dấu chân khắp các vùng miền tìm cây thuốc, vị thuốc, điều lương y Nguyễn Đức Nghĩa còn băn khoăn về nguy cơ tuyệt chủng của nhiều nguồn gien thuốc quý bởi sự tàn phá và khai thác ồ ạt của con người. Chẳng hạn cây mật nhân được coi chữa bách bệnh, với tốc độ khai thác hiện nay chỉ 10 năm nữa là hết. Rồi khắp nơi làm thủy điện, phá rừng làm rẫy, nuôi tôm, làm resort… triệt phá không biết bao nhiêu cây thuốc. Anh biết sức người là hữu hạn, chỉ mong có cá nhân, tổ chức cùng chung tay bảo tồn, tái tạo, phát triển cây thuốc. “Quanh ta có rất nhiều cây thuốc quý, đủ dùng trong nước và cả xuất khẩu” - lương y Nguyễn Đức Nghĩa tâm sự.

Vườn thuốc của lương y Nguyễn Đức Nghĩa ở Đà Lạt, TPHCM, Đồng Nai có nhiều cây thuốc quý ở quy mô thu hoạch để bào chế thuốc như sâm cau (Tây Nguyên), dây bướm bạc, lưỡng diện châm (miền Trung), giảo cổ lam, hoàng tinh, bách hợp, tục đoạn, hoàng liên, lan gấm, ngọc trúc, đảng sâm, ngũ gia bì hương (vùng núi phía Bắc). Anh đã lấy giống, đem trồng, nhân rộng thành công nhiều loại cây thuốc quý trên mảnh đất phương Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Điền (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN