Đi tìm bí quyết sống lâu ở “xã trường thọ”

Sự kiện: Nhịp sống 24h Hà Nam

Cặp vợ chồng cụ bà Nguyễn Thị Huệ và cụ ông Nguyễn Văn Thuần ở Hà Nam đều hơn trăm tuổi nhưng cả hai vẫn giữ nếp đi bộ khoảng 2-3km mỗi sáng.

Vợ chồng cụ Thuần và cụ Huệ đều đã hơn 100 tuổi

Vợ chồng cụ Thuần và cụ Huệ đều đã hơn 100 tuổi

Xã Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được mệnh danh là “xã trường thọ”. Nơi đây có rất nhiều cụ ông, cụ bà sống tới trăm tuổi. Điều đặc biệt, dù đã trăm tuổi, nhưng các cụ vẫn mạnh khỏe, dẻo dai, minh mẫn...

Những tình bạn ở tuổi... 100

Xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là nơi đã nhiều lần được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cũng như UBND tỉnh Hà Nam trao tặng, vinh danh xã có nhiều người thọ hơn 100 tuổi.

Chiều tối 18/11, PV có mặt tại thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và bắt gặp một cụ bà tóc bạc phơ đang vịn tay vào bờ tường để sang nhà hàng xóm chơi. Thấy PV cúi chào, cụ ngừng bước đi, chăm chú nhìn khách lạ bằng đôi mắt vẫn sáng và cất lời hỏi han khách bằng những câu trò chuyện rất minh mẫn, mạch lạc. Cụ cho biết tên là Đào Thị Thuận, năm nay đã 105 tuổi. Chồng cụ và con trai đều đã mất rồi, các cháu thì đi làm xa, nên cụ ở một mình trong ngôi nhà nhỏ này.

“Cứ cơm nước cữ chiều xong là tôi sang nhà bà Nghi hàng xóm nói chuyện cho đỡ buồn. Bà Nghi cũng già rồi, loanh quanh mấy cụ già chơi với nhau, ngày nào cũng đi sang nhà nhau”, cụ Thuận nói.

105 tuổi, nhưng cụ Thuận sống một mình, việc ăn uống, sinh hoạt cụ đều tự lo được hết. “Thì con cá dưới sông, con gà trong vườn, cứ chăm rồi con cháu, hàng xóm họ bắt về giúp cho. Lúa thì giờ không ra cấy gặt được nữa, tôi thuê người. Rau thì vẫn tự trồng, có sẵn trong vườn”, cụ Thuận giải thích và cho biết, gắn bó với công việc, vườn tược, cụ đã quen với sương gió, hiếm khi có bệnh tật.

Ngồi dựa hiên nhà, cụ bà Lương Thị Nghi (gần 90 tuổi, ở thôn Từ Đài) hướng đôi mắt tinh anh ra cổng đón cụ Thuận. Cụ Nghi nói: “Con cái lớn ở riêng, tôi sống với cháu nội. Thời còn sức khỏe thì ra đồng cấy cày cùng mọi người, về già thì trồng rau nơi vườn nhà, rồi sang chơi nhà các cụ hàng xóm hoặc chờ đón các cụ sang cùng uống chén nước, trò chuyện tuổi già. Con cháu có công việc và niềm vui của con cháu, chúng tôi có công việc và niềm vui của chúng tôi, không lụy phiền gì đến nhau cả”, cụ Nghi cười nói.

Đôi vợ chồng 100 tuổi dắt nhau đi thể dục hằng ngày

Đôi bạn già cụ Thuận và cụ Nghi

Đôi bạn già cụ Thuận và cụ Nghi

Cặp vợ chồng cụ bà Nguyễn Thị Huệ và cụ ông Nguyễn Văn Thuần (ở thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại) đều đã hơn trăm tuổi nhưng cả hai vẫn giữ nếp đi bộ tập thể dục khoảng 2 - 3 km mỗi buổi sáng. Cụ Thuần cho biết, ở làng này nhiều cụ thọ 100 tuổi, thậm chí hơn 100 tuổi nhưng cơ bản chỉ còn mỗi cụ bà. Chỉ duy nhất gia đình cụ hiện tại còn cả cụ bà và cụ ông.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, số liệu mới nhất về dân số Việt Nam (từ kết quả khảo sát năm 2018) cho thấy, dân số Việt Nam ước đạt 94,67 triệu người; tuổi thọ trung bình hiện ở mức 73,5 (nam là 70,9 tuổi và nữ là 76,2 tuổi), không tăng so với năm 2017.

“Trước đây, ngày nào tôi với bà nhà tôi cũng đi tập thể dục vài cây số nhưng giờ yếu rồi, buổi sáng hàng ngày chỉ đi bộ khoảng 2 - 3 cây thôi”, cụ Thuần nói và cho hay: Nhà ở ven sông Hồng nên cụ Thuần bơi lội rất giỏi, từ lúc còn trẻ đến khi về già cụ vẫn được coi là kình ngư của xã.

“Thời còn trẻ, hôm nào thời tiết nóng nực, tôi cũng ra tắm sông ùm ùm, lặn sâu đến vài ba mét. Giờ chúng nó thấy có tuổi nên không cho đi nữa, chứ tôi cũng nhớ lắm”, cụ Thuần tự hào khoe.

Do hai cụ có một người con trai đã mất sớm, nên hiện hai cụ sống với người cháu họ là ông Nguyễn Xuân Đô (70 tuổi). Ông Đô cho biết, các con ông lớn và đã xây dựng gia đình, giờ ông cũng đã có cháu nội, cháu ngoại. Hàng ngày, ông trông các cháu và chăm sóc vợ chồng cô chú Thuần.

“Ăn uống của vợ chồng cô chú Thuần cũng rất đơn giản, sáng ăn nhẹ, còn bữa trưa và tối cô chú cũng chỉ ăn 1 lưng cơm. Cô chú sáng đi thể dục về, nếu không đi sang nhà hàng xóm chơi thì ở nhà uống trà, chơi với con cháu. Cô chú vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, tự chăm sóc bản thân rất tốt, không bệnh tật gì”, ông Đô thông tin.

Chia sẻ về kinh nghiệm sống thọ, không bệnh tật, cụ Thuần cho biết, cụ sống khoa học, không rượu bia hút xách, hàng ngày có tập thể dục và luôn giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm nhất có thể.

“Chắc là lối sống giản dị, lạc quan, sống đậm đà tình cảm của con người nơi đây; rồi đất đai màu mỡ, vườn tược trù phú, người dân gắn bó với nghề nông là chính, họ thường xuyên lao động chân tay nên sức khỏe vô cùng dẻo dai”, cụ Thuần lý giải.

Cụ Nghi cũng cho biết, từ lúc còn trẻ đã hay cười, tính tình vui vẻ, ít giận ai được lâu. Cuộc sống của cụ bình an, làng quê không khí trong lành nên dù chẳng được ăn cao lương mỹ vị bao giờ, cụ vẫn thấy khỏe mạnh, minh mẫn. “Cũng có thể do di truyền nữa, làng cũng nhiều người cao tuổi mà. Tôi chưa thấy ai về nghiên cứu làng vì sao cao tuổi cả”, cụ Nghi cho hay.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chuyên Ngoại thông tin: Toàn xã Chuyên Ngoại có gần 9.000 nhân khẩu thì tổng số hội viên Hội Người cao tuổi là 1.644 người, tính trung bình các cụ tuổi từ 80 - 100 tuổi có 559 cụ, tròn 100 tuổi có 9 cụ, trên 100 tuổi trong toàn xã có 4 cụ.

Đã nhiều năm nay, Chuyên Mỹ vẫn thường được nhiều người nhắc đến là “xã trường thọ”, bởi ở đây có nhiều cụ sống thọ hơn 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, dẻo dai. Bí quyết thì tôi chả thấy gì, các cụ ăn uống cũng rất giản dị, hầu hết là tự cung tự cấp. Chỉ có điều, các cụ hay tập thể dục, có thể cũng có yếu tố gen di truyền giúp người dân nơi đây có tuổi thọ cao hơn mức bình quân chung”, ông Sơn nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện lạ ở ngôi làng không cổng: Gái xinh, tài giỏi mà chẳng ai dám lấy

Dù con gái làng Hoàng Xá rất xinh đẹp, tài giỏi, chỉ cần một đòn gánh là có thể nuôi cả chồng, cả con mà chẳng có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Huế ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN