Đi tàu điện sẽ tiện như xe buýt

Chính phủ đã định hướng phát triển các tuyến metro tại Hà Nội và TP.HCM. Đến năm 2050, TP.HCM sẽ có 8 tuyến metro, Hà Nội có 10 tuyến.

Người dân kỳ vọng các cơ quan chức năng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án để hoàn thiện mạng lưới metro hiện đại phủ khắp Hà Nội và TP.HCM, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân.

Đến nay, lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông đã tăng khoảng 2,5 lần so với thời điểm giãn cách xã hội; bình quân vận chuyển ngày thường từ 22.000 - 24.000 hành khách, cuối tuần là 25.000 - 30.000 hành khách - Ảnh: Tạ Hải

Đến nay, lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông đã tăng khoảng 2,5 lần so với thời điểm giãn cách xã hội; bình quân vận chuyển ngày thường từ 22.000 - 24.000 hành khách, cuối tuần là 25.000 - 30.000 hành khách - Ảnh: Tạ Hải

Kịch bản tốt nhất của năm đầu khai thác

Gần 1 năm qua kể từ ngày tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam - tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) chính thức vận hành, chị Nguyễn Phương Thảo (Hà Đông, Hà Nội) đã cất chiếc xe máy cùng nỗi lo tắc đường, chuyển sang gắn bó với những đoàn tàu điện hiện đại.

“Làm việc ở Giảng Võ, cách ga Cát Linh khoảng 500m, thời gian đi xe máy cho quãng đường gần 14km giờ cao điểm của tôi mất khoảng 50 phút. Nhưng với tuyến tàu điện này, thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 15 - 20 phút”, chị Thảo nói và cho biết, không chỉ riêng chị mà hàng chục đồng nghiệp khác cùng cơ quan đã bỏ xe cá nhân, mua vé tháng đi làm bằng tàu điện.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, từ đầu tháng 5/2022 đến nay, lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông đã tăng khoảng 2,5 lần so với thời điểm giãn cách xã hội; bình quân vận chuyển ngày thường từ 22.000 -24.000 hành khách, cuối tuần là 25.000 - 30.000 hành khách.

Tỷ lệ hành khách đi vé tháng bình quân trong ngày khoảng 50%, giờ cao điểm hành khách sử dụng vé tháng chiếm 75 - 80%. “Công tác vận hành và lượng khách đi tàu hiện nay là kịch bản tốt nhất trong năm đầu khai thác”, ông Trường khẳng định.

Gấp rút triển khai

Trong lúc tuyến Cát Linh - Hà Đông dần lấy được thiện cảm của người dân, tuyến đường sắt đô thị số Nhổn - ga Hà Nội đang gặp nhiều vướng mắc.

Đại diện Ban Quản lý đường sắt Hà Nội (MRB) cho biết, sau khoảng 11 năm triển khai, sản lượng thi công đạt khoảng 75% (8,5km đoạn trên cao đạt 96%; 4km đoạn ngầm đạt 33%).

Một trong những trở ngại lớn được MRB đánh giá là sự chậm trễ trong việc thực hiện gói thầu CP05 gồm các hạng mục chính: Xây dựng tòa nhà trung tâm điều hành vận tải, tòa nhà chứa tàu, bảo dưỡng, kỹ thuật điện… kéo theo chậm trễ của các gói thầu thiết bị (CP06, 7, 8, 9).

Khó khăn thứ hai là quá trình thi công 4km ngầm đã có 50 tòa nhà bị ảnh hưởng. Trong khi khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu từ 1 - 6 năm. Do vậy, đến tháng 8/2021 nhà thầu CP03 đã thông báo tạm dừng thi công khi gói thầu mới chỉ hoàn thành khoảng 32%.

Thách thức là rất lớn, song UBND TP Hà Nội cho biết, đã đưa ra phương án để giảm tối đa sự lệ thuộc vào tiến độ gói thầu CP05, phấn đấu đưa đoạn trên cao hoàn thành vào cuối năm 2022, vận hành dự án vào năm 2027.

Tại buổi làm việc mới nhất với Liên danh nhà thầu Hyundai (Hàn Quốc) - Ghella (Italia) đảm nhận thi công gói thầu CP03, TP Hà Nội đã cam kết một số nội dung quan trọng nhằm đưa nhà thầu sớm quay lại thi công trong tháng 8/2022.

Còn ở TP.HCM, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), các kỹ sư, công nhân đang gấp rút hoàn thiện phần cơ điện cho gói thầu 1A - xây dựng ga ngầm Bến Thành và đoạn từ ga Bến Thành - ga Nhà hát thành phố. Toàn bộ đoạn đi ngầm, bao gồm ga Ba Son cũng sẽ hoàn thành trong năm 2022. Đoạn trên cao từ ga Ba Son đến depot Suối Tiên cũng đang gấp rút hoàn thành phần cơ điện tại các nhà ga.

Thời gian qua, nhà thầu phụ trách gói thầu mua sắm thiết bị cũng đã chạy thử một số đoàn tàu tại khu vực depot để kiểm tra từng đoạn tiến tới toàn tuyến để đưa dự án vào vận hành vào cuối năm 2023.

Đối với tuyến metro số 2 (từ Thủ Thiêm đi Củ Chi) với chiều dài 48km, đoạn tuyến metro Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn 1) có 11 nhà ga, thời gian qua, địa phương đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường đạt 99,67% (584/586 trường hợp). Tuy vậy, tiến độ của dự án sẽ bị chậm từ 12 - 18 tháng do phải chọn đơn vị thay thế Tư vấn IC đã chấm dứt hợp đồng từ tháng 3/2022.

“Đơn vị đã làm việc với các nhà tài trợ, dự kiến chọn được tư vấn vào tháng 9/2023. Các gói thầu chính sẽ được phát hồ sơ mời cuối năm 2024, khởi công năm 2025 thay vì năm 2022”, đại diện đơn vị quản lý dự án cho hay.

Mỗi đô thị cần tối thiểu 6 tuyến metro

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Chính phủ đã định hướng phát triển các tuyến metro tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị và Hà Nội sẽ có 10 tuyến.

Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/2022 phê duyệt chương trình hành động.

Trong đó, xác định đến năm 2030 đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành GTVT.

Giai đoạn đến năm 2050, thực hiện chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đẩy nhanh tiến độ và đưa vào khai thác các tuyến metro theo quy hoạch là một trong những nhiệm vụ được yêu cầu thực thi.

Ông Mười cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, đến năm 2030, việc đầu tư metro cần đặc biệt chú trọng đến các tuyến xuyên tâm có mật độ phương tiện lớn. Tại TP.HCM, cần tập trung ưu tiên đẩy tiến độ tuyến Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro số 2.

Tại Hà Nội, ưu tiên đẩy nhanh tuyến metro số 3 (Nhổn - ga Hà Nội), đồng thời thúc đẩy tiến độ chuẩn bị đầu tư tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi).

ThS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, Hà Nội và TP.HCM đều đang phát triển theo mô hình đô thị hướng tâm (một trung tâm chính phát triển thành các trục đường giao thông kết nối về các hướng).

Tại Hà Nội, các hành lang chính phát triển đô thị và trục chính về phát triển giao thông gồm: Hướng Tây kết nối Đại lộ Thăng Long và trục QL32, hướng Nam kết nối QL1, hướng Đông kết nối QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hướng Đông Bắc có sân bay Nội Bài.

Đến năm 2030, Hà Nội tối thiểu phải có 4 tuyến metro hướng tâm cùng 2 tuyến metro vành đai mới đáp ứng nhu cầu và phát huy hiệu quả của công trình metro.

Với các trục hướng tâm đều hướng đến khu vực trung tâm chính như quận 1, quận 3, quận 5… và trung tâm mở rộng như quận 7, quận 2, TP.HCM cũng cần tối thiểu khoảng 6 tuyến metro vào năm 2030.

“Để đủ sức hút với người dân, bên cạnh việc kết nối mạng lưới xe buýt, cần nghiên cứu kết nối với các phương tiện giao thông khác như xe công nghệ, taxi, xe đạp công cộng… Muốn vậy, công tác quy hoạch cần gắn liền với việc bố trí quỹ đất. Không có quỹ đất sẽ không thể xây dựng một hệ thống đồng bộ, liên thông, tích hợp giữa giao thông công cộng khối lượng lớn trên cao và dưới mặt đất”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh các dự án metro đang triển khai, tại TP.HCM, tuyến metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đang trình các cơ quan có thẩm quyền để thẩm định trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Các tuyến số 3A, 3B; 4, 4B và số 6 cũng đang trong quá trình kêu gọi đầu tư.

Tại Hà Nội, tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2008.

Hiện, thành phố đang hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư và quy hoạch ga C9, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2022.

Nguồn: [Link nguồn]

Diện mạo tuyến cao tốc lớn nhất phía Nam sau 8 năm thi công

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng thời gian qua nhiều gói thầu vẫn “đắp chiếu” sau 8 năm thi công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Khánh ­- Lê Tươi - Đỗ Loan ([Tên nguồn])
Đường sắt trên cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN