“Dị nhân” thích nuốt rắn, nhai bóng đèn giờ ra sao?
Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng “dị nhân” này vẫn ngày ngày cưỡi "ngựa sắt” rong ruổi khắp nơi để mưu sinh.
Clip một số tiết mục “đùa với thần chết” của võ sư Quốc Cường
Ngoài 70 tuổi vẫn “cưỡi ngựa sắt” đi diễn
Võ sư Quốc Cường (tên thật Võ Văn Hồng) là cái tên “nổi như cồn” vào những năm 1990 nhờ những màn biểu diễn kinh dị không khác gì đùa với thần chết, như nuốt cá kèo vào bụng rồi thả rắn vào để kéo ra, nhai và ăn liên tục 20 bóng đèn, dùng đầu đập bể trái dừa khô cứng như đá,...
Võ sư Quốc Cường chia sẻ về cuộc sống hiện tại
Tính tới hiện tại, võ sư Quốc Cường đã có hàng chục năm theo nghề sơn đông mãi võ. Để gặp võ sư này, chúng tôi phải hẹn gặp ông vào lúc sáng sớm khi mà ông vừa ăn sáng vừa dành thời gian chia sẻ về công việc, cuộc đời. Sau cuộc trao đổi ngắn ngủi ấy, ông nhấp vội ly nước và lại cưỡi "ngựa sắt” đi biểu diễn ở tỉnh.
Bắt đầu cuộc trò chuyện, võ sư Quốc Cường cho PV xem hàng loạt bức ảnh từ trắng đen cho tới ảnh màu về quãng đường hoạt động nghệ thuật của mình. Không cần được hỏi, ông cũng kể vanh vách về những kỷ niệm thời đầu theo đoàn xiếc, sơn đông mãi võ cho tới đóng phim.
Võ sư Quốc Cường từng đóng nhiều bộ phim với các diễn viên nổi tiếng như Trương Ngọc Ánh, Lý Hùng,..
Sinh ra ở miền đất võ Bình Định, ngay từ nhỏ, ông đã say mê học võ và mày mò tìm hiểu những thế võ lạ, khác người. Tuổi thơ của ông gắn liền với cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn đủ điều. Gia đình neo đơn, túng quẫn khiến ông không được theo học đến nơi đến chốn.
Nhớ lại thời ấy, võ sư Quốc Cường kể: “Ngày xưa trường làng thường xuyên tổ chức các đợt đấu võ thi tài giữa các bậc võ thuật có thứ hạng. Tôi hay thập thò phía sau sàn diễn, được chứng kiến những thế võ tấn công, phòng thủ rất lạ của bậc đàn anh nên đâm ra rất đam mê tìm hiểu, học hỏi sâu hơn”.
Mặc dù tuổi còn nhỏ, bị các thầy từ chối dạy võ, nhưng lúc đó ông vẫn kiên trì, mỗi ngày đều tới tiếp diện thầy, quét dọn sân trường, lau chùi bàn ghế để ghé mắt xem thầy dạy các đàn anh. Cảm động trước nhiệt huyết của cậu trò nghèo, các thầy nhận ông làm đệ tử. Sau một thời gian học về nội công, khí công và võ cổ truyền, tới năm 13 tuổi, ông đã “xuống núi” phiêu bạc, tự biểu diễn kiếm sống.
Võ sư Quốc Cường đang biểu diễn nuốt rắn để “câu” cá kèo
“Tôi chủ yếu đi biểu diễn ở những quán bar, sân khấu, tạp kỹ ở các tỉnh phía Nam, có khi theo đoàn mãi võ sang cả Campuchia. Lúc đó, khả năng của tôi là nuốt được rắn lục, cho rắn hổ mang cắn vào tay, dùng tay chẻ sầu riêng, một ngón tay đục thủng dừa khô và nhai bóng đèn,...”, võ sư Quốc Cường nói.
Dòng cảm xúc của võ sư Quốc Cường dường như không có điểm dừng bởi với ông, những kỷ niệm ấy là tất cả của cuộc đời mình. Câu chuyện chỉ tạm lắng xuống khi võ sư kể về vợ con, rằng vợ và con của ông đều đã mất từ lâu. Kể từ đó tới nay, ông vẫn sống một cuộc sống đơn thân lẻ bóng sớm đi chiều về.
Nhiều lần bị “quịt” tiền cát-sê
Quay lại câu chuyện hiện tại, võ sư Quốc Cường chia sẻ: “Bây giờ tôi vẫn đi diễn nay đây mai đó. Tùy yêu cầu của từng nơi mà tôi sẽ có các phần trình diễn khác nhau. Cứ có ông bầu nào kêu tôi đi là tôi mừng lắm, có điều những chuyện đằng sau không phải ai cũng biết”.
“Họ bán được vé thì trả tiền đủ, còn không thì đưa ít lại rồi bảo bù sau mà mấy tháng trôi qua cũng chưa thấy bù. Mới đây là buổi diễn do nghệ sĩ V.S tổ chức, tôi đi diễn phải mua cá kèo, rắn, sầu riêng,... tốn cả mấy trăm ngàn chứ ít đâu. Diễn không được bao nhiêu cát-sê đâu mà còn bị thiếu, nói quịt không phải chứ mấy tháng chưa thấy trả. Sao họ không bớt tiền của những người đi xe hơi, mặc đồ vest, nước hoa kia kìa?”, võ sư Quốc Cường trải lòng với PV.
Ông kể thêm trong nước mắt, ông quan điểm con đường đã chọn là “bán máu mưu sinh” và “sống nay chết mai” không nói trước được, trong đó, việc đưa tay cho rắn cắn đã trở thành một tiết mục biểu diễn thường ngày của ông.
“Có khi bị rắn cắn đau quá mà đâu dám khóc, khóc thì khán giả họ cười mình. Tôi phải nén đau, cắn răng lại, đôi khi chịu hết nổi thì có vài giọt nước mắt chảy ra hòa với mồ hôi, tất cả cũng vì chén cơm mưu sinh...”, võ sư Quốc Cường vừa nói vừa đưa cho PV xem những vết sẹo còn in hằn trên cơ thể.
Một vết sẹo trên cổ do các màn biểu diễn nguy hiểm để lại
“Nói thật là tiền cát-sê chỉ đủ ăn mì gói thôi chứ tôi không dám ăn tô phở. Nghề của tôi đi biểu diễn sống chủ yếu bằng tiền khán giả cho là chính, có khi tiền cát-sê 10 đồng thì khán giả cho thêm tới 12 đồng”, ông nói thêm.
Tiếp tục câu chuyện, võ sư Quốc Cường dành thời gian nói về những tiết mục biểu diễn nguy hiểm nhất. Trong quá trình biểu diễn các tiết mục này, nhiều lần ông đã gặp nguy hiểm tới chết đi sống lại.
-------------
Bị cá kèo chặn ngay lỗ mũi, trăn cắn vào cổ họng hay đá đập vào óc,... là những tình huống khiến “dị nhân” này gần như chết đi sống lại, mời độc giả đón đọc Dị nhân "thập tử nhất sinh" vì cá kèo chặn mũi, trăn cắn vào cổ vào 19h tối mai (14/5).
Với bộ móng dài ngoằng, đôi tay người đàn ông ấy vẫn thoăn thoắt tô vẽ những hình rồng, phượng...