Di nguyện của cụ bà 100 tuổi từng may gối trái dựa cho vua Bảo Đại
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ là người hiếm hoi biết may gối trái dựa, loại gối từng được sử dụng phổ biến trong cung đình Huế. Bà đã gắn bó nửa đời người với nghề làm gối trong cung đình, và vẫn đang ấp ủ mong muốn được trao truyền lại nghề truyền thống trước khi về với tiên tổ.
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ xuất thân trong gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn. Năm 17 tuổi, bà vào cung học may vá, thêu thùa và có cơ hội tiếp xúc với gối trái dựa. Đây là loại gối có nhiều nếp gấp, gập mở tùy ý để gối đầu, dựa lưng... Gối trái dựa được các vua quan triều Nguyễn thường xuyên sử dụng, giao cho Bộ Lễ phụ trách đặt may. Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, hay mọi người thường gọi thân mật là mệ Trí Huệ, là một trong số ít cung nữ được lựa chọn để may gối cho vua Bảo Đại.
Nửa cuộc đời gắn bó với nghề may gối trái dựa, đến tuổi gần đất xa trời, mệ Trí Huệ vẫn miệt mài với từng đường kim mũi chỉ. Bà vẫn có rất nhiều ước muốn, trong đó ước muốn được dạy nghề làm gối trái dựa không chỉ cho con cháu trong gia đình mà còn lan tỏa rộng rãi tới các bạn trẻ khắp mọi miền Tổ quốc.
Mệ Trí Huệ bên những chiếc gối trái dựa. (Ảnh: Journeys in Hue)
Mới đây, con gái của mệ Trí Huệ- cô Bùi Thị Ngọc Điểm (sống tại thành phố Huế) đã chia sẻ bức tâm thư nói về di nguyện trao truyền nghề của mệ Trí Huệ. Mở đầu bức thư, cô Ngọc Điểm kể lại hành trình lưu giữ nghề làm gối trái dựa của bà Công Tôn Nữ Trí Huệ và gia đình.
Trong tâm thư, cô Ngọc Điểm kể: "...Phụng trực tại Lăng vua Tự Đức một thời gian, mẹ tôi lại thuyên chuyển về làm việc tại nhà Đức Từ Cung ở đường Phan Đình Phùng. Ở đây hàng ngày mẹ may vá, phục chế lại các đồ thờ bằng vải, đồ thờ ở Đại Nội và các lăng....Sau này, đồ thờ bằng vải trong Đại Nội - trong đó có gối trái dựa đã xuống cấp hết. Vậy là mẹ tôi may phục chế lại theo gợi ý của Đức Từ Cung.
Sau năm 1992, gia đình trở lại với công việc ruộng nương nhưng cái nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng không đủ ăn. Gia đình tôi phụ thuộc vào chiếc bàn may lạch cạch để may áo dài.
Thời gian này không còn ai nhớ đến gối trái dựa nữa, mẹ tôi chỉ tận dụng những mảnh vải còn dư ra từ việc may áo dài để may gối cho đỡ nhớ nghề. Có những ngày bà muốn may một chiếc gối hoàn chỉnh có vải lụa bọc bên ngoài và thêu hoa văn lên đó. Nhưng chẳng lẽ, trong lúc gia đình đang nghèo khó lại bỏ tiền ra mua vải, bông về may gối trái dựa ra để… ngắm...."
Theo lời cô Ngọc Điểm, từ ngày đó đến nay có hai lần việc may gối được khôi phục. Lần thứ nhất là đợt phục dựng các hiện vật, tư liệu lịch sử trong Đại Nội của nhà nghiên cứu Trịnh Bách. Lời đề nghị của nhà nghiên cứu được ví như "cơn mưa giữa mùa hạ", giúp bà Công Tôn Nữ Trí Huệ có cơ hộ quay trở lại với công việc may gối. Bà cũng có thêm người học trò đầu tiên đó là cô con dâu tên Liền. Tuy nhiên sau đợt hàng đó, công việc may gối bị chững lại, những chiếc gối dựa bị rơi vào quên lãng. Cả gia đình lại tiếp tục may áo dài để mưu sinh.
Cơ hội thứ hai là năm 2018, một đơn vị may thêu cổ phục tại Hà Nội đã vào tận nơi mời mẹ bà Trí Huệ tham dự buổi ra mắt công ty. Từ đó, nhiều người biết tới nghề may gối dựa của gia đình và các đơn đặt hàng cũng tăng lên, dù không nhiều.
Sự kì diệu của số mệnh đã giúp cho mệ Trí Huệ gắn bó cuộc đời mình với nào vải, nào bông,... để làm ra những chiếc gối dựa tinh xảo. (Ảnh: Journeys in Hue)
Gối dựa phủ vải gấm mang "thương hiệu" mệ Trí Huệ. (Ảnh: Journeys in Hue)
"Hiện tại, bốn người trong gia đình gồm mẹ tôi, em dâu, cháu gái và cháu dâu cùng làm gối. Mẹ tôi đảm nhận chính, hoàn thiện những phần đòi hỏi sự chi tiết, tỉ mỉ nhất. Còn các thành viên khác trong gia đình phụ giúp thêm sau những buổi làm đồng áng" cô Ngọc Điểm chia sẻ trong bức thư.
Qua bức tâm thư, gia đình cũng gửi gắm di nguyện cuối đời của mệ Trí Huệ. Ở tuổi 100, bà vẫn đau đáu nỗi lo nghề làm gối dựa sẽ thất truyền. Nhiều lần vượt "cửa tử", đến nay mệ Trí Huệ vẫn miệt mài làm gối, vẫn có thể xâu chỉ qua lỗ kim mà không cần đeo kính. Gia đình gọi đó là sự kì diệu, là số mệnh ông trời đã ban cho bà để gắn bó với nghề làm gối trái dựa.
Cuối thư, cô Bùi Thị Ngọc Điểm viết: "Không biết ngày nào đó mẹ sẽ rời xa chúng tôi. Có lẽ sẽ không còn nhiều thời gian. Tôi nghĩ mẹ tôi còn là nghề làm gối còn, mẹ mất thì nghề may gối sẽ mất đi. Do đó, là một thành viên của hoàng tộc Nguyễn, người đã gắn bó nửa đời người với gối cung đình, cái nghề gối trái dựa khi về quê mẹ tôi đã ấp ủ trao truyền, bà có rất nhiều ước muốn. Trong đó có ước muốn dạy nghề làm gối trái dựa này. Miễn phí bà cũng dạy, vì chỉ sợ lúc mình nhắm mắt không ai trao truyền lại nghề này.
Do vậy, di nguyện của mẹ tôi và cũng là của gia đình đó là: nếu có ai muốn học, có đơn vị nào muốn tìm hiểu về gối cung đình để gìn giữ và phát huy nghề, cũng như ứng dụng gối vào nhiều mặt của cuộc sống hơn và có thể lan tỏa trên khắp cả nước, gia đình chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ!".
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng trăm năm qua, đền thờ vị công chúa nước Lào với danh xưng là Nhồi Hoa được nhân dân sùng bái như một danh nhân đất...