Đi lễ chùa hối lộ thánh thần, nên không?

Các nhà văn hóa cảnh báo người dân đi chùa đầu năm không nên rải tiền “hối lộ thánh thần”, không khấn vái xin phòng thuế công an có mắt như mù…

“Không biết đền, chùa thờ ai là cái tội”

Thành thông lệ, vào đêm 30 Tết, sau khoảnh khắc giao thừa, nhiều người có thói quen đi lễ chùa, đền, phủ cầu may, cầu lộc. Tuy nhiên, gần đây báo chí phản ánh nhiều biến tướng diễn ra ở chốn linh thiêng. Ví dụ như rải tiền khắp nơi, từ cổng chùa vào, mang đồ mặn vào chùa, đốt vàng mã...

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng VN cho rằng, đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, nhiều người dân đi lễ chùa chưa có ý thức và thái độ chuẩn mực. Theo ông Thịnh, nguyên nhân bởi “một số người chưa hiểu đến nơi đến chốn”.

Trong cuộc trao đổi với báo chí chuẩn bị mùa lễ hội xuân Giáp Ngọ 2014, ông Nguyễn Thanh Phong - Chánh Thanh tra Sở VHTT-DL Hà Nội cho biết, nhiều người dân đi lễ hội nhưng không biết nơi đây thờ ai.

Đi lễ chùa hối lộ thánh thần, nên không? - 1

Nhiều người cho rằng phải dúi đồng tiền vào tận tay tượng thì “ngài” mới chứng. (Ảnh minh họa)

Ông dẫn chứng, nhiều người đến đền Bà Chúa Kho (người có công giúp triều đình nhà Lý trông coi kho lương thực) để cầu sinh được con trai.

Ngoài ra, ông cũng cho biết, người đi lễ hội không biết đến đây làm gì, thấy khấn là khấn, muốn xin gì được nấy. Ông nói: “Đến lễ đền chùa để du xuân, cầu thánh xin sức khỏe, đừng xin buôn một bán mười, phòng thuế, công an có mắt như mù…”. 

Trao đổi với với PV, ông Vương Duy Bảo (Cục Văn hóa Cơ sở – Bộ VHTT-DL) nói rằng: “Trách nhiệm của ngành văn hóa địa phương phải thông báo cho người dân biết đền, chùa này thờ ai”. Ông nói thêm, đi lễ đình chùa mà không biết ở đây thờ ai là cái tội .

Không được phép hối lộ thánh thần

Theo các nhà văn hóa, người dân đến chùa không được đốt vàng mã, không mang đồ nặm. Đặc biệt, không được phép rải tiền lẻ hay nhét tiền vào tay tượng. Bởi làm vậy là “hối lộ thánh thần”, ô uế cửa chùa. Đó là điều tối kỵ và sai giáo lý nhà Phật.

Nếu đi lễ ở đình, đền, miếu mạo, phủ có thể mang đồ mặn vào, có thể đốt vàng mã, nhưng cũng không được dắt tiền vào tay tượng. Thay vào đó, hãy để tiền vào hòm công đức.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, rải tiền lẻ ở khắp nơi trong đền chùa tạo ra một hình ảnh phản tín ngưỡng và không có văn hóa. Ông cho biết, Thần linh đâu cần những thứ đó, vấn đề là ở tấm lòng thành.

Bà Lê Thị Tân Trang – Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Hà Nội gọi việc dắt tiền lẻ dắt vào tay tượng, đặt trên bệ thờ hay gốc cây.. là “vấn nạn toàn quốc”. Nguyên nhân do  nhiều người dân thiếu hiểu biết nên cho rằng phải dúi đồng tiền vào tận tay tượng thì “ngài” mới chứng cho.

Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực hội đồng trị sự Giáo Hội phật giáo Việt Nam khuyến cáo, khi đi chùa người dân chỉ nên mua hương hoa. Tuy nhiên, hòa thượng cũng cho rằng, rất hạn chế việc đốt hương. Bởi việc đốt hương, đốt vàng mã chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của con người.

“Khi đi vào chùa cái Tâm của mình cần chân thành. Chỉ cần thế, Phật đã chứng nhận và đã biết tới”, Hòa thượng nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Chánh Thanh tra Sở VHTT-DL Hà Nội cho rằng, nhiều người dân đi lễ thiếu kiến thức và hiểu biết về lễ hội. Vẫn còn nhiều có tâm lý “tiền múa chúa cười” đặt vào tiền tay thánh để ngài chứng cho.

Ông ví dụ tại chùa Hương (Mỹ Đức, HN), cách đây vài năm vàng mã đốt vàng ngợp trời, khói cuộn hàng chục mét, ném tiền lẻ xuống suối giải oan.. Thanh tra Sở phải đề nghị các nhà tu hành tuyên truyền không mang tiền vào cửa Phật, không mang đồ mặn…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN