Đi lạc trong rừng sâu, làm gì để sống sót?

Sau cái chết của phượt thủ người Anh trên đỉnh Fansipan, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những kỹ năng sinh tồn hữu ích khi bị lạc trong rừng sâu.

Đi lạc trong rừng sâu, làm gì để sống sót? - 1

 Aiden Shaw Webb là người có nhiều kinh nghiệm leo núi.

Vừa qua, vụ việc du khách Aiden Shaw Webb (22 tuổi, quốc tịch Anh) thiệt mạng khi chinh phục đỉnh Fansipan đã khiến dư luận bàng hoàng, xót thương. Đồng thời, các thông tin về kinh nghiệm sinh tồn cũng được cộng đồng mạng chia sẻ “chóng mặt”.

Nói về vụ việc này, nhà nghiên cứu sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung - người có hơn 24 năm làm công tác nghiên cứu đa dạng sinh học ở khắp các cánh rừng Việt Nam cho rằng, 95% người Việt Nam, đặc biệt là những bạn trẻ không thể có kỹ năng và được dạy kỹ năng sống, thoát hiểm bài bản như anh chàng người Anh Aiden Shaw Webb. “Nhưng tại sao bạn ấy vẫn lìa đời một cách đáng tiếc, và các phượt thủ người Việt Nam hầu hết không được học căn bản thì phải làm gì trong trường hợp tương tự?”, ông Trung đặt vấn đề.

Theo ông Trung, một trong những lý do khiến Webb không thể thoát nạn là đã đi một mình với thiết bị trên tay chỉ có một chiếc điện thoại thông minh. Song nó chỉ còn là một chiếc điện thoại cơ bản khi đi vào những hẻm núi hoàn toàn không có sóng 3G ở Fansipan.

“Nếu bạn ấy có một thiết bị GPS loại tốt, rất có thể bạn ấy đã thoát khỏi cái chết oan nghiệt. Tại sao tôi lại nói tới thiết bị GPS mà không chọn la bàn hay thiết bị khác? Vì kim la bàn sẽ chạy loạn lên nếu trong khu vực bạn đang dùng có mỏ sắt hay mỏ kim loại nặng; còn GPS dù bị cản bởi cây cối hay mây thì vẫn có những lỗ hổng hoặc mây tan để tìm ra tọa độ mình đang đứng”, ông Trung giải thích.

Đi lạc trong rừng sâu, làm gì để sống sót? - 2

Webb đã thiệt mạng khi chinh phục đỉnh Fansipan.

Theo ông Trung, mùa này những cơn mưa thất thường ở Fansipan sẽ khiến cơ thể bị thấm lạnh rất nhanh và mất nhiệt, dẫn đến thiệt mạng. Bởi những lúc lâm vào hoàn cảnh như thế, tay, chân và toàn cơ thể sẽ lẩy bẩy đến mức không còn có khả năng bật chiếc hộp quẹt để hút thuốc, chưa nói đến nhóm lửa. Nếu có bạn đi cùng thì chuyện đó sẽ dễ dàng hơn, nhất là người bản địa.

“Với độ ẩm lớn ở Fansipan, để có một bếp lửa thì chỉ có cây tươi mới giúp bạn nhóm lửa nhanh nhất. Những khúc củi mục còn lâu mới giúp bạn có một bếp lửa bập bùng, kinh nghiệm này các bạn phải ghi nhớ nằm lòng. Ở một nơi có độ ẩm cao, các cây gỗ mục đều ngậm nước và rất khó bắt lửa, trong khi cây tươi chẻ nhỏ có tinh dầu sẽ cháy rất nhanh”, ông Trung chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng theo ông Trung, ở Fansipan có nhiều loài rắn lục cực độc, gồm cả rắn lục đầu trắng và rắn lục núi. Những loài này rất hay ăn đêm nhưng cũng có loài kiếm ăn cả vào ban ngày. Nếu không may bị các loài rắn này cắn, thậm chí bò rừng cũng “đổ” chứ không riêng gì những tay leo núi như Aiden Shaw Webb.

Ngoài ra, một trong những bài học cơ bản đối với dân phượt là phải hết sức bình tĩnh khi bị lạc đường. Nếu đi cùng đoàn, bạn hãy đứng ngay ở nơi mà bạn cảm thấy bị lạc, nhất là vào ban đêm thì lại càng phải đứng ngay chỗ đó, đồng thời tắt đèn, giảm bớt ánh sáng để tiết kiệm pin, đốt lửa sưởi ấm và tránh thú dữ rắn rít, phát tín hiệu cầu cứu,...

“Bạn sẽ chết khi hốt hoảng hoặc cố gắng tìm cách kiếm đường về, vì càng đi bạn càng mất phương hướng và lạc rất sâu khiến cho đoàn không biết bạn đi đâu mà tìm”, ông Trung nhấn mạnh trong bài chia sẻ.

Riêng đối với vùng núi Fansipan, lời khuyên của ông Trung là không nên ở dưới các thung lũng sâu. Mặc dù nơi đó có nước nhưng cũng là nơi nhiệt độ rất thấp về ban đêm, các loài rắn độc, thú dữ thường thích kiếm ăn và trú ngụ ở những nơi vực sâu rậm rạp như vậy.

Phượt thủ có thể đi dọc theo các con suối nhỏ để tìm những con suối lớn và cứ thế đi xuống chắc chắn bạn sẽ thấy đường về, tuy nhiên cách này không thể áp dụng với các con suối ở rừng núi miền Đông Nam Bộ. Trong lúc vượt suối, nếu đi trên bờ thì đôi giày sẽ hữu ích, nhưng lội trên các tảng đá trơn trượt thì chiếc tất sẽ giá trị hơn đôi giày rất nhiều.

Đi lạc trong rừng sâu, làm gì để sống sót? - 3

 Đỉnh Fansipan tại Việt Nam là mục tiêu chinh phục của nhiều người trong và ngoài nước. (Ảnh: SapaTrek)

Nói về trường hợp của Webb, nhà leo núi có biệt danh Huy Art cho rằng, Webb hoàn toàn không bị lạc do đã lấy đường cáp treo để định vị. Ngay cả lúc bị thương nặng, anh ta vẫn cố di chuyển đến gần chân cột tháp nhất để cứu hộ dễ phát hiện. Thực tế, thi thể của Webb đã được cơ quan chức năng phát hiện dưới chân một trụ cáp treo.

Theo Huy Art, vấn đề có thể là Webb đã không lường hết các khó khăn sinh tử nếu bị chấn thương ở vùng rừng núi như Hoàng Liên Sơn: Vách đá cực trơn, hay sạt lở khi mưa do đá trộn lẫn với đất. Cái lạnh khi ngấm mưa ở độ cao 3.000m cũng khác hẳn cái lạnh của tuyết xứ quê nhà.

“Trong một dòng trạng thái trước đó, sau khi chinh phục xong một ngọn núi ở Sapa, chính anh ta rất vui khi được dân bản địa chúc mừng và gọi là “người nhện”. Dân vùng sơn cước mà gọi là “người nhện” thì hẳn phải có lý do, ấy là cách leo núi của Webb thực sự là một môn thể thao mạo hiểm rất được người Tây Âu ưa chuộng”, Huy Art chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN