Di dời trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội: Yêu cầu cấp bách, giải pháp nửa vời

Sự kiện: Thời sự

Sau gần 20 năm thực hiện di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội đến nay về cơ bản vẫn chưa có trường nào hoàn tất chủ trương này. Trong khi đó, yêu cầu về giảm mật độ dân số, phương tiện nội đô, hạn chế ùn tắc giao thông đang ngày càng cấp bách…

Di dời trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội: Yêu cầu cấp bách, giải pháp nửa vời - 1

Được đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông nhưng với lượng xe đông và 7 trường ĐH trên hơn 1 kilômét, đường Nguyễn Trãi luôn xảy ra ùn tắc kéo dài (Ảnh: T.Đảng)

Bài 1: Hàng loạt điểm đen ùn tắc gần các trường đại học

Hàng loạt điểm đen ùn tắc giao thông đang tồn tại nhức nhối gần các trường và cụm trường đại học gây ra nhiều hệ lụy với cuộc sống người dân Hà Nội. Quy mô, loại hình đào tạo tăng nhanh làm tăng số lượng sinh viên nhưng quỹ đất hạ tầng giao thông teo tóp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Hơn 1 km đường có 7 trường đại học

Là tuyến đường có mặt cắt rộng vào loại lớn nhất Hà Nội gồm 8 làn xe, tuy nhiên tuyến đường đi qua cụm các trường đại học (ĐH): Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Bách khoa thường xuyên lâm vào tình trạng ùn tắc như nêm vào nhiều khung giờ. Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại đây trong ngày 26/3 cho thấy, ngoài lượng phương tiện đi trên đường, vào các giờ cao điểm, khu vực này còn có nhiều học sinh đi bộ cắt ngang mặt đường, khiến ô tô, xe máy đang chạy phải dừng lại để tránh, gây thêm ùn ứ kéo dài.

Tại các điểm ùn tắc khác trên tuyến đường này thường chỉ xảy ra trong khung giờ 7h30 đến 8h30 sáng, từ 17h30 đến 18h30 chiều nhưng đoạn qua các cụm trường ĐH trên ùn tắc kéo dài xảy ra cả sáng - trưa - chiều, thậm chí vào cả buổi đêm, thời gian từ 21 đến 22h. Thượng tá Lê Văn Hoan, Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Hà Nội thường xuyên tuần tra, làm nhiệm vụ trên đường Giải Phóng cho biết, đây là các khung giờ sinh viên tại các trường ĐH đóng trên đường Giải Phóng vào lớp hoặc tan học. Buổi tối, tuy không phải là giờ đến lớp nhưng do nhiều sinh viên học thêm các loại hình đào tạo khác nên buổi tối ở đây cũng đặc kín sinh viên ra vào trường.

Tương tự, tuyến đường Nguyễn Trãi đoạn từ Ngã Tư Sở đến quận Hà Đông mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội, tuy nhiên giao thông đi lại giờ cao điểm tại đây vẫn đang là nỗi ám ảnh với nhiều người. Trong hơn 10 năm qua, tuyến đường này không ngừng được cải tạo, nâng cấp cả về hạ tầng và vận tải công cộng nhưng lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng khiến tuyến đường luôn nhỏ bé trước các dòng phương tiện ùn ùn từ các phố, ngõ đổ ra vào mỗi giờ cao điểm. Ngoài phương tiện đi lại trên đường, còn có rất nhiều sinh viên các trường ĐH đóng trên tuyến đường, mỗi khi tan trường đổ vào dòng xe cộ như “ong vỡ tổ”…

Phân luồng, xây thêm cầu vượt vẫn ùn tắc

Chỉ dài hơn 1 km nhưng qua thống kê cho thấy, đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông đoạn từ Nhà máy thuốc lá Thăng Long đến siêu thị Coopmart có đến 7 trường ĐH lớn (ĐH KHXH&NV, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Hà Nội, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông…). “Chưa kể lưu lượng giao thông trên đường, bình quân mỗi trường ĐH tại đây có khoảng 10 nghìn sinh viên (ĐH, sau ĐH và các loại hình đào tạo khác) vào giờ cao điểm tất cả cùng đổ về cổng trường, tham gia giao thông trên đường cũng đủ làm đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông kín phương tiện”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông Thanh Xuân (Sở GTVT Hà Nội) nhận xét.

Tình trạng ùn tắc như nêm trước các cổng trường cũng xảy ra với nhiều tuyến phố, nút giao thông đang có nhiều trường ĐH-CĐ tại  Xuân Thủy - Cầu Giấy (ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và tuyên truyền…); hay đường Tây Sơn - Chùa Bộc (ĐH Thủy lợi, ĐH Công đoàn, Học viện ngân hàng..)

Tại cổng Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc), giờ cao điểm để giảm ùn tắc, nhà trường còn bố trí sinh viên tình nguyện ra hỗ trợ lực lượng chức năng hướng dẫn, phân luồng đoạn trước cổng trường, tuy nhiên giao thông vẫn liên tục “đóng băng” tại đây vào giờ cao điểm. Nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc, đã làm cầu vượt từ năm 2012, đến nay ùn tắc tái diễn.

Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, phương tiện gia tăng cao và lượng sinh viên tại các trường lân cận không ngừng gia tăng hàng năm là nguyên nhân chính làm các nút giao thông trên tái ùn tắc. Thực tế vào mùa hè khi sinh viên các trường ĐH về nghỉ hè thì ùn tắc tại một số tuyến phố, nút giao thông qua các trường ĐH giảm rõ rệt.

PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Công nghệ GTVT cho rằng, phân luồng, xây cầu vượt… chỉ mang tính tình thế, giải quyết phần ngọn và không bền vững. Do lượng phương tiện quá lớn, mỗi năm lại tăng thêm 18 đến 20% thì không có một giải pháp tổ chức giao thông hay cải tạo hạ tầng nào đáp ứng được.

Đánh giá về lượng phương tiện trên đường tại Hà Nội hiện nay, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI cho rằng: Trên nhiều tuyến đường, nút giao thông tại Hà Nội mật độ phương tiện lưu thông đã quá tải thiết kế mặt đường từ 3 đến 4 lần, riêng các tuyến đường như Lê Văn Lương, Láng, Phạm Hùng (Vành đai 3)… giờ cao điểm đã vượt 22 lần so với thiết kế.

Hà Nội có 611.982 sinh viên

Theo niên giám thống kê giáo dục và đào tạo năm học 2016 – 2017 của Bộ GD&ÐT, tổng số sinh viên ở Hà Nội là 611.982 sinh viên, trong đó chính quy chiếm 489.573 sinh viên, 86.626 sinh viên diện vừa học vừa làm và 35.783 sinh viên đào tạo từ xa. ÐH Bách khoa Hà Nội có gần 32 nghìn sinh viên, trong đó 28.523 sinh viên hệ chính quy và 3.449 diện vừa học vừa làm. ÐH Công nghiệp Hà Nội có gần 28 nghìn sinh viên, trong đó hơn 25 nghìn sinh viên hệ chính quy; ÐH Giao thông vận tải có hơn 21 nghìn sinh viên, trong đó hơn 19 nghìn sinh viên chính quy. ÐH Kinh tế quốc dân cũng có hơn 37 nghìn sinh viên, ÐH Sư phạm Hà Nội có hơn 33 nghìn sinh viên...

Ý kiến chuyên gia

Phải giãn dân rồi mới hạn chế  xe cá nhân
(GS.TS Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học GTVT)

Di dời trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội: Yêu cầu cấp bách, giải pháp nửa vời - 2

GS.TS Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học GTVT

Trong quản lý đô thị, về nguyên tắc khi hạ tầng giao thông không thể phát triển, mở rộng thêm thì điều phải làm là cơ quan chức năng phải là hạn chế hoặc giãn mật độ dân cư nội đô ra ngoại thành; sau đó là hạn chế xe cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm. Đây là giải pháp mà nhiều thành phố trên thế giới còn đông dân cư hơn Hà Nội như Jakarta (Indonesia), Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc)… đã làm được từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội lại đang thực hiện ngược lại, khi đưa ra lộ trình cấm xe máy trước; còn lộ trình giãn dân cư và các giải pháp kèm theo như di dời trường học, trụ sở cơ quan thu hút đông dân cư trong nội đô ra ngoại thành thì đang giậm chân tại chỗ, hoặc không được nhắc đến.

Nội đô quá tải nghiêm trọng
(KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc)

Di dời trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội: Yêu cầu cấp bách, giải pháp nửa vời - 3

KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc

Để giảm áp lực dân cư và phương tiện tham gia giao thông trên đường, trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, nêu rõ: Với khu vực nội đô Hà Nội, giới hạn từ đường vành đai 2 trở vào cần kiểm soát sự tăng dân số cơ học. Theo đó với 1,2 triệu dân 4 quận nội thành cũ như hiện nay, từ nay đến năm 2030 thành phố Hà Nội phải giảm về mức khoảng 0,8 triệu người (giảm 1/3 so với hiện nay). Nếu quy hoạch này được thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, áp lực ùn tắc giảm ngay tức thì và không một công trình, kế hoạch chống ùn tắc nào có thể so sánh được.

Anh Trọng (ghi)

Toàn cảnh 6 tuyến đường vành đai ”xử lý” ùn tắc giao thông ở Hà Nội, kết nối các tỉnh phía Bắc

Các tuyến đường vành đai hình thành đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc ở Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Đảng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN