Đi bộ vào đường cao tốc trên cao: Tự đi vào “cửa tử”
Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân đi bộ, điều khiển xe máy đi vào đường trên cao không những vi phạm pháp luật mà còn đánh cược với tính mạng bản thân. Thậm chí, họ có thể gây ra những vụ tai nạn liên hoàn, thảm khốc.
Bắt đầu từ ngày 1/11, Đội Cảnh sát trật tự giao thông phản ứng nhanh (Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã chốt chặn tại các đường dẫn lên đường lên cao để nhắc nhở, xử phạt đối với người đi bộ, đi xe máy vào đường cấm. Sau nửa tháng, lực lượng chức năng đã xử phạt 33 người đi bộ vào đường cấm; 27 người điều khiển xe máy vi phạm. Bị phạt, nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng.
Người đi bộ vô tư đi vào đường cấm, bất chấp nhiều ô tô lưu thông qua lại với tốc độ cao
Người dân tự mình đi vào “cửa tử”
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, nhà xã hội học cho biết, người dân đi bộ lên đường trên cao hay đi ngược chiều là chuyện thường thấy. Hành động này xuất phát từ thói quen tùy tiện, không tôn trọng quy định, luật giao thông đường bộ.
“Điều này giải thích vì sao cứ đoạn đường nào không có cảnh sát giao thông thì người dân vi phạm luật. Họ chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả. Nhiều người dân không thể hình dung rằng tai họa có thể xảy đến với mình. Họ nghĩ cứ liều đi rồi xe ô tô sẽ phải tránh người đi bộ. Tuy nhiên, suy nghĩ này là hết sức lệch lạc sai lầm”, ông Bình chia sẻ.
Tiến sĩ Bình cho hay, trong một số trường hợp, người dân biết quy định mà vẫn cố tình vi phạm thì không khác gì tự mình tìm đến “cửa tử”.
Ở Việt Nam, nhiều người dân tham gia ý thức rất kém, đi đường không chấp hành luật giao thông. Khi gặp cảnh tắc đường, không ai nhường ai, thậm chí còn đi hết cả phần đường của người khác. Như vậy, xung đột giao thông thường xuyên xảy ra.
“Tôi đã từng sang nước ngoài và thấy người dân ở đó ý thức rất cao. Buổi tối, trên đường không có ai, nhưng khi có đèn đỏ, họ đều dừng lại. Hay như ở bên nước Mỹ, luật của họ xử rất nặng người vi phạm. Nếu như người dân uống rượu mà lái xe, họ có thể bị bỏ tù ngay lập tức”, tiến sĩ Bình kể.
Lắp camera phạt nguội xe ô tô trả khách sai quy định
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, tình trạng người dân đi bộ lên đường trên cao đã diễn ra từ nhiều tháng qua. Việc này đã gây bức xúc cho các tài xế ô tô khi vừa điều khiển xe ở tốc độ cao vừa phải tránh người. Những người đi bộ này phần lớn là khách vừa xuống xe hoặc chờ bắt xe dọc đường do ngại vào bến.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội
“Dù vì lý do gì đi nữa thì khi người dân đi vào đường cấm vẫn là vi phạm pháp luật. Đường trên cao cho phép xe cơ giới lưu thông với tốc độ 80km/h. Như vậy, người đi bộ đi vào đường này, không khác gì đánh gì đánh cược tính mạng của mình, chỉ cần sơ xẩy là tai nạn sẽ ập đến”, ông Liên nói.
Khi tai nạn ập đến, chính bản thân người vi phạm bị thiệt, sau đó là gia đình. Đặc biệt, khi người đi bộ, hay người dân điều khiển xe máy đi ngược chiều trên cao tốc có thể gây ra tai nạn liên hoàn với dòng ô tô. Do vậy, dễ gây ra tai nạn thảm khốc.
“Tôi nghĩ rằng đối với người đi bộ, điều khiển xe máy vào đường cấm, cơ quan chức năng phải phạt thật nặng, gấp đôi, thậm chí gấp ba. Ngoài ra, trong trường hợp, người dân đi vào đường cấm gây tai nạn, công ty bảo hiểm cũng không bồi thường bởi họ đã phạm luật”, ông Liên nói.
Ông Liên kể, trước đây đã từng có nhiều vụ tai nạn do người dân điều khiển xe máy đi vào đường cấm trên cao gây ra. Điển hình, tháng 10/12, tại khu vực gần nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi (Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn trên cầu cạn khiến một người tử vong tại chỗ. Người điều khiển xe máy đã đi vào vào đường cấm nên đã va chạm với một xe ô tô chạy ngược chiều.
Theo ông Liên, lực lượng chức năng phải tuyên truyền, cắm chốt tại các điểm lên xuống đường trên cao để nhắc nhở người vi phạm. Người cố tình vi phạm phải bị xử phạt, tước giấy phép lái xe, thậm chí bắt học lại luật.
“Để chấm dứt tình trạng người đi bộ lên đường dẫn trên cao, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần lắp đặt thêm camera ở các điểm lên xuống, phạt nguội đối với xe ô tô trả khách không đúng điểm dừng đỗ. Như vậy, nếu như xe ô tô không trả khách dọc đường thì sẽ không có người đi xuống cầu và ngược lại, ô tô không bắt khách, người dân sẽ không lên trên cầu đón xe”, ông Liên đề xuất.