Đêm ở rốn lũ Chương Mỹ: Không ngủ nổi vì nước ăn chân, côn trùng rúc vào người
Cả ngày ngâm nước, đến đêm, người dân ở rốn lũ Chương Mỹ lại không thể chợp mắt vì ngứa ngáy do bị nước ăn chân, côn trùng rúc vào người.
Cảnh sinh hoạt khốn khó của người dân Chương Mỹ
7h tối 31/7, tại vùng rốn lũ xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mưa vẫn xối xả. Từ đầu xã tới cuối xã tối om, chỉ nhìn thấy thấp thoáng người dân chèo thuyền đi lại, tiếng bì bõm lội nước, tiếng mọi người gọi nhau hòa vào tiếng ếch nhái kêu ộp oạp.
Con đường bê tông vào thôn Nhân Lý dài khoảng 200m, nước ngập sâu và tối om. Trong ánh sáng mập mờ hắt ra từ chiếc đèn pin của người dân, chúng tôi nhìn thấy những người phụ nữ bì bõm lội nước đến ngang bụng. Họ cho biết, tất cả đều làm công nhân, sáng đi làm, tối về đều phải lội nước đã 10 ngày nay.
Anh Duẩn dùng thuyền đi từ nhà ra đón vợ sau ngày làm việc, anh cho biết nhà bị ngập, đi ở nhờ rất phức tạp nên đành phải sống chung với lũ.
Những con đường trong xã giờ biến thành sông. Đêm xuống chỉ thấy thấp thoáng ánh sáng yếu ớt từ nhà dân hắt ra. Theo người dân nơi đây, thôn nào ngập sâu thì không có điện, những thôn khác ngày có, ngày không.
Bà Nguyễn Thị Duyên (56 tuổi, thôn Nam Hài) rưng rưng nước mắt nói: “Đã 7 hôm nay tôi ăn mì tôm, thỉnh thoảng họ hàng có đồ ăn thì tiếp tế thêm, hôm nào nước ngập không sâu tôi đi vào trong xóm ăn cơm nhờ, nhưng cũng chẳng dám đi lâu vì phải trông nhà, có cái ti vi, sợ trộm lấy mất. Tắm thì lấy nước mưa, nước uống được cấp thì phải tiết kiệm để nấu mì. Đêm xuống cũng chẳng thể ngủ nổi".
Kiến bò đầy giường khiến bà Duyên Không ngủ được, thỉnh thoảng bà cầm đèn pin ra trước sân nhà lấy thanh gỗ chắn cửa ngăn bèo, rác bẩn trôi vào nhà và xem nước cạn đến đâu thì cọ nhà đến đó.
Trước khi lên giường ngồi, bà Duyên phải lấy ít nước sạch rửa chân. Con cháu bà đã đi ở nhờ hết, nhà chỉ có bà và người con trai. Con trai bà chạy công nông cho xã, hôm nào có điện thì về ngủ, không thì ngủ ở xã.
Đôi bàn chân của bà Duyên bị nước ăn ngứa ngáy cả ngày lẫn đêm. Xã phát cho lọ thuốc bôi chống nước ăn chân nhưng bà chỉ bôi được vài lần là hết.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển trong dòng nước tìm đến nhà ông Nguyễn Tất Sáng (thôn Hài Tiến).
Bà Hậu (vợ ông Sáng) vừa bôi thuốc chống nước ăn chân vừa nói: “10 ngày ngập trong nước không chỉ đảo lộn cuộc sống mà tinh thần cũng bị đảo lộn. Suốt ngày lội nước cho vịt ăn nên chân tôi bị nước ăn, ngứa ngáy không chịu được. Chỉ có đêm ở trên giường là không phải lội nước”.
“Nước lũ năm ngoái rút nhanh nên hai vợ chồng nhà tôi không bị như năm nay. Năm nay, nước lũ đọng lâu, cả nhà ai cũng bị nước ăn chân, khổ nhất là bị tiêu chảy vì thiếu nước sạch và rau xanh”, ông Sáng cho biết.
Móng chân của ông Sáng bị nước ăn gần hết. “Ngứa ngáy nhiều lúc không chịu được chỉ muốn chặt bỏ chân. Đêm ngủ chập chờn, có đêm không ngủ được vì côn trùng bò lên giường, rúc vào người. Cuộc sống thiếu thốn trầm trọng, xáo trộn về tinh thần quá lớn”, ông Sáng cho hay.
Nước mới rút được gần 20cm, nước rút đến đâu bà Nguyễn Thị Hậu lại lau dọn, kỳ cọ mọi ngóc ngách trong nhà đến đó, bà cho biết: “Tôi đã hơn 80 tuổi rồi, đêm không ngủ được nên canh nước rút để dọn nhà”.
Trong đêm tối, người dân bê thuyền vào nhà sau khi phải chèo thuyền từ đầu thôn vào nhà. Nhiều người không thể bê thuyền về nhà được thì gửi thuyền nhà nào đó ở gần chỗ nước ngập.
Sống ở vùng rốn lũ Thủ đô trong nhiều ngày, cuộc sống vô cùng khó khăn, họ phải nương tựa vào nhau. Anh Trọng cho biết, nhà anh trở thành nơi sống của hai gia đình khác, thức ăn được người thân bên ngoài cứu trợ.
3000 người dân của xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã phải sống như thế nào trong đợt ngập lụt tồi...