Đêm, nín thở nhìn lâm tặc "xả thịt" rừng
Tiếng cưa xăng rít lên từng đợt, khét lẹt, tiếng cây đổ ầm ầm, tiếng lâm tặc gọi nhau í ới là những gì đập vào mắt chúng tôi trong suốt một đêm mật phục trong rừng thẳm. Màn đêm, với lâm tặc là thiên đường trong cuộc "trường chinh" phá rừng không mệt mỏi.
Đêm mật phục nơi rừng sâu
Loay hoay mãi mấy ngày ở khu vực hồ Ba Bể nhưng chúng tôi không làm cách nào để tận mắt chứng kiến cảnh lâm tặc thi nhau triệt hạ rừng nghiến, dù trước đó, đã mật phục cả ngày trong các bản Cốc Tộc, bản Cám, Pắc Ngòi, Khâu Qua.
Dù là người thông thuộc từng ngóc ngách, có thể chỉ tường tận nơi nào có gỗ quý trong lõi rừng Ba Bể nhưng H. – người dẫn đường vẫn không thể biết được chính xác ngày nào, giờ nào thì lâm tặc vào chặt gỗ.
H. chỉ biết rằng: Tất cả lâm tặc nơi đây chỉ đốn hạ gỗ vào ban đêm, bất kể là mưa hay nắng. Trời mưa chính là quãng thời gian lý tưởng cho công cuộc phá rừng nơi đây.
Sau gần 1 tuần mật phục, khi tất cả đều mệt rã rời thì nhận được điện thoại của H: “Em vừa gọi điện cho mấy thằng bạn để mượn cưa xăng thì mới biết đêm nay chúng nó vào khu vực bản Cốc Tộc để chặt gỗ. Nếu các anh đi, 12 giờ đêm xuất phát”.
Hình ảnh một cây nghiến đã được lâm tặc "làm thịt", chờ ngày để vận chuyển (ảnh chụp ngày 6/6/2010 tại bản Cốc Tộc, xã Nam Mẫu- khu vực lõi rừng quốc gia Ba Bể) - Ảnh: Hoàng Sang
12 giờ đêm, cả 4 chúng tôi lặng lẽ bước lên xuồng máy. Dụng cụ bất di bất dịch lúc này vẫn là những cái vợt bướm để cải trang thành những “chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản”.
Hơn 30 phút đi xuồng máy, chúng tôi đã đến được bản Cốc Tộc - địa điểm đêm nay lâm tặc sẽ chặt rừng. Để đảm bảo an toàn, H. căn dặn rất rõ: “Nếu vào được đến nơi, các anh phải ngồi từ xa quan sát. Trên đường đi, nhất quyết sẽ có người cảnh giới. Để không bị phát hiện, em sẽ xuất phát trước để thăm dò. Nếu phát hiện không có người canh giữ, sẽ quay lại đón bọn anh. Nếu có người, phải tìm một lối đi khác”.
Qua ánh đèn pin nhợt nhạt, vẫn thấy rõ con đường mòn dẫn lên địa điểm lâm tặc khai thác gỗ mà trước đó chúng tôi đã đi. Cả 4 người lầm lũi đi trong bóng đêm, chẳng ai nói với nhau câu gì.
Hết con đường mòn, chúng tôi bắt đầu bám vào những tảng đá sắc lẹm và trơn trượt để dò dẫm từng bước đi. Chỉ vào một hốc đá để nấp, H. bảo ngồi chờ để thám thính xem có ai cảnh giới hay không.
15 phút sau, H. quay lại rồi nói nhỏ: Phía trước có 2 người của bọn chúng đang cảnh giới. Em đã hỏi rồi, đêm nay đoàn của chúng đi tất cả 4 người: 2 cảnh giới và 2 người cưa cây. Mình phải chọn lối đi tắt để qua chỗ đấy.
Một gốc cây nghiến vừa bị đốn hạ
Chúng tôi đi theo đường vòng cung để tránh xa địa điểm mà 2 tên "chim lợn" đang đứng. Màn đêm tĩnh mịch, những bước chân lầm lũi bước đi với chỉ duy nhất 1 ánh đèn pin của người dẫn đường. Thi thoảng, bàn chân lại vấp phải những hòn đá cuội giữa đường, ngón chân tóe máu, nhức buốt.
Càng đến gần, tiếng cưa xăng càng nghe rõ mồn một. H chỉ tay về phía có tiếng cưa xăng: "Chúng nó đang cưa trên đó, khi nào đến gần chỗ cưa, các anh kiếm chỗ mà nấp để em đi lại đó. Chỉ mình em mới lại được gần thôi. Tụi này cảnh giác ghê lắm."
Nếu tình trạng khai thác gỗ nghiến diễn ra như thế này, chẳng bao lâu nữa, rừng nghiến ở Ba Bể sẽ cạn kiệt
Lần theo tiếng cưa xăng, chúng tôi đã tiếp cận gần khu vực mà lâm tặc đang đốn cây. Đang dò đường đi, bỗng giật bắn khi có một ánh đèn pha từ nơi phát ra tiếng cưa xăng vọng về. Cả 3 cúi rạp xuống một hốc đá bên cạnh. Liền sau đó là tiếng một người đàn ông:
- Đứa nào đấy, dưới kia thế nào?
- Tao, H. còi đây – tiếng người dẫn đường đáp lại
- Đêm nay mày cũng đi à? Ở chỗ nào thế - tiếng người đàn ông ồm ồm.
- Có mấy gốc trên kia, nhưng cái cưa xăng dở chứng, không nổ máy được. Đêm nay làm mấy phát? - H. hỏi lại.
- Có 2 cây thôi. Mấy hôm nay tụi nó làm dữ quá, chẳng đi được.
Dứt lời, người đàn ông lại tiếp tục công việc của mình. Tiếng cưa xăng rít từng đợt liên hồi.
Lâm tặc "đại náo" rừng Quốc gia
Trong khi chúng tôi nép vào một hang đá cách đó không xa để tiện bề quan sát thì H. bước về phía dưới để nói chuyện phải quấy.
Nhờ ánh đèn pin mà lâm tặc đeo trên đầu, chúng tôi có thể nhìn thấy rất rõ mọi hoạt động phía dưới. Hai gã đàn ông, một nhỏ thó, đen đúa, một lực lưỡng, tuổi ngót nghét 40 vừa siết lại vòng ốc cưa xăng, vừa tra thêm dầu vào để chuẩn bị đốn tiếp cây gỗ thứ 2.
Thi thoảng, gã người nhỏ thó lại đưa bình rượu lên nốc 1 ngụm ngon lành. Nhất cử, nhất động phía dưới được chúng tôi quan sát qua màn hình camera với độ zoom siêu khủng.
Sau mấy phút nghỉ giải lao, 2 người đàn ông bắt tay vào công việc đốn hạ cây nghiến còn lại. Ánh đèn pin sáng loáng chĩa vào lưỡi cưa xăng. Người đàn ông lực lưỡng tiến đến cái cưa xăng, dùng tay giật mạnh vào một sợi dây gắn liền nơi thân máy. Một lần, rồi hai lần, tiếng máy rít lên, xua tan màn đêm tĩnh mịch nơi đại ngàn.
Lâm tặc đang chuẩn bị cưa xăng để đốn hạ gỗ nghiến (ảnh chụp tại bản Cốc Tộc) Ảnh: Hoàng Sang
Lưỡi cưa sắc lẹm, loáng lên màu ánh bạc. Tay lâm tặc tiến sát thân cây, lựa hướng cây đổ và bắt đầu việc đốn hạ. Tiếng cưa máy gầm rít lên từng đợt, mùi xăng khét lẹt, bụi mụn cưa bay tung tóe. Những thớ thịt của tên lâm tặc cũng rung bần bật theo tiếng cưa xăng.
Trời đổ mưa, cơn mưa rừng ngày càng nặng hạt. Lũ vắt rừng chẳng biết từ nơi đâu búng lách cách dưới chân.
Tiếng cưa xăng im bặt, tên lực lưỡng vừa lấy chiếc điếu cày, đổ nước điếu ra xung quanh chân để xua đuổi lũ vắt, vừa lẩm bẩm nói điều gì đó. Đoạn y đổ thêm dầu vào cưa xăng rồi tiếp tục công việc của mình.
Ầm... ầm... Rắc... rắc... Cây nghiến cổ thụ như một con quái vật khổng lồ đổ rạp xuống phía dưới. Gã nhỏ thó hướng ánh đèn về phía gốc cây cười khoái trá: lại một cây gỗ lệch tâm.
Vết tích của những đêm lâm tạc oanh tạc trong rừng quốc gia Ba Bể (ảnh chụp ngày 6/6 tại khu vực lõi rừng quốc gia Ba Bể). Ảnh: Hoàng Sang
Cây vừa đổ xong, cả 2 thu dọn đồ nghề. Lưỡi cưa được tháo ra khỏi vòng xích. Khoảng 5 phút sau, 2 tên lâm tặc đã mất hút trong màn đêm tĩnh mịch.
Chờ cho bọn chúng đi hẳn, H. mới quay về chỗ chúng tôi đang đứng. Chúng tôi chọn một lối rẽ khác để không chạm trán với cánh lâm tặc.
Trên đường về, H. kể rất nhiều chuyện. Chuyện về ngày trước vì miếng cơm manh áo, H vẫn phải vào rừng cưa gỗ thuê; vẫn phải đêm đêm xuyên rừng già, triệt hạ từng cây gỗ nghiến vào những đêm mưa rừng.
Chuyện mới đây, có người phải bỏ mạng vì bị cây đè chết khi đang đốn hạ cây, để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại. Sau ngày chồng chết, đêm đêm, người vợ thường bồng con ra phía bìa rừng, ngồi hướng mặt ra lòng hồ Ba Bể rồi gào thét.
Chỗ người đàn bà này ngồi cách đảo Pò Giả Mải - nơi ở của hai mẹ con bà góa nhân hậu trong huyền thoại ngày xưa – không xa.
Chợt nghĩ, nếu một ngày rừng nghiến bị tuyệt chủng thì liệu hồ Ba Bể có còn nữa hay không? Và, thế hệ con cháu sau này có còn biết đến một hồ Ba Bể tuyệt đẹp treo giữa lưng chừng vách núi?
Có khi nào, hồ Ba Bể và sự tích người đàn bà góa nhân hậu chỉ còn trong cố tích nếu người dân vẫn đêm đêm đi tận diệt rừng nghiến?
(Còn nữa)