Cách ngắm mưa sao băng lớn nhất năm 2019 ở bầu trời Việt Nam đêm nay

Sự kiện: Tin nóng

Những người yêu thiên văn học Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng một trận mưa sao băng được coi là lớn nhất trong năm 2019 vào đêm nay.

Mưa sao băng lớn nhất năm Perseids sắp diễn ra trên bầu trời Việt Nam. Ảnh: Hội thiên văn học trẻ Việt Nam.

Mưa sao băng lớn nhất năm Perseids sắp diễn ra trên bầu trời Việt Nam. Ảnh: Hội thiên văn học trẻ Việt Nam.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho hay, đêm nay sẽ diễn ra trận mưa sao băng Perseids – đây được coi là trận mưa sao băng lớn nhất năm cùng với mưa sao băng Geminids.

Mưa sao băng Perseids là hiện tượng diễn ra tháng 8 hàng năm với cực điểm rơi vào khoảng rạng sáng ngày 12-14/8. Các sao băng của nó là những mảnh vụn còn sót lại của sao chổi 109P/Swift-Tuttle tiến về phía mặt trời. Lần cuối sao chổi này tới gần mặt trời và cắt qua quỹ đạo của Trái đất là năm 1992 và lần tiếp theo sẽ là năm 2026.

Nhiều năm qua, Perseids là hiện tượng đáng chú ý đối với người yêu thích quan sát bầu trời về đêm. Cách đây 3 năm, vào tháng 6/2016, Perseids đã có một vụ bùng nổ sao băng với số lượng quan sát được rất lớn. Tuy nhiên, năm nay, ông Sơn cho rằng, sẽ không có vụ bùng nổ nào diễn ra.

“Thời gian cực điểm năm nay trùng với khoảng thời gian gần lúc trăng tròn nên mặt trăng sẽ làm ảnh hưởng phần nào đến việc quan sát, tuy vậy, bạn vẫn có thể thấy nhiều sao băng nếu thời tiết thuận lợi và điều kiện quan sát tốt. Vào đêm cực điểm, bạn có thể quan sát thấy gần 100 vệt sao băng mỗi giờ”, ông Sơn chia sẻ.

Chủ tịch VACA cho biết thêm, rạng sáng 13/8 sẽ là lúc gần cực điểm nhất của mưa sao băng Perseids. Thời gian quan sát lý tưởng nhất là sau 2h sáng vì khi đó mặt trăng đã lặn, còn chùm sao Perseus đã lên đủ cao.

Để quan sát mưa sao băng Perseids, ông Sơn khuyến cáo mọi người hãy nhìn về bầu trời phía Đông Bắc và tìm chòm sao Perseus. Chòm sao này có lẽ không dễ xác định với người chưa có kinh nghiệm, do đó, cách đơn giản nhất là nhìn lên bầu trời Đông Bắc với góc nhìn 30-50 độ tính từ mặt đất.

Người xem cũng không cần sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn, mà mắt thường chính là cách quan sát tốt nhất. Người xem cần kiên nhẫn vì mưa sao băng cũng không liên tục như pháo hoa.

Trước thời điểm mưa sao băng diễn ra, người xem nên nhìn lên bầu trời phía Đông, Đông Bắc từ 2-3 phút để mắt quen với bóng tối.

Chọn một không gian quang đãng và vắng lặng, ít bị cây cối hay các tòa nhà cao tầng che khuất. Trong đô thị, ánh đèn hay khói bụi sẽ cản trở đối với việc quan sát.

Hiện tượng hiếm: Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 xuất hiện cùng mưa sao băng

Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỉ 21 sẽ xuất hiện cùng lúc với hiện tượng mưa sao băng đang là hiện tượng thiên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN