Đêm nay, bão số 14 hình thành, hướng vào Bình Thuận – Cà Mau
Áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ mạnh lên thành bão số 14 và hướng di chuyển vào các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau.
Sáng nay ( 20/12), Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão trong vòng 24 giờ tới. Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 7h sáng nay (20/12), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 170km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão, cơn bão số 14 trong năm 2020.
Đến 19h ngày 20/12, bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 14 di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 21/12, vị trí tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 270km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)
“Áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên và trong đêm nay sẽ mạnh lên thành bão với sức gió cấp 8 và mạnh lên cấp 9 trong đêm mai, hướng xuống Tây Nam. Diễn biến tiếp theo của bão khá phức tạp, từ thứ Tư (22/12) bão lại xu hướng về phía Tây”, ông Lâm phân tích.
Ông Lâm dự báo, bão số 14 sẽ đổ bộ từ Bình Thuận tới Cà Mau ở cấp 7. Do kết hợp với không khí lạnh nên ngay trước khi bão vào bờ sẽ gây gió rất mạnh trên vùng biển từ Bình Định tới Ninh Thuận, trên đất liền có thể đạt cấp 9.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 6h00 ngày 20/12, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 46.682 phương tiện/255.393 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh.
Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu để thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng kích hoạt hệ thống nhắn tin.
Tổng cục Thủy sản cung cấp thông tin cho người dân để có phương án bảo vệ lồng bè và nuôi trồng thủy sản.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp thông tin kịp thời để phục vụ việc chỉ đạo, ứng phó; đảm bảo an toàn hồ chứa; phục hồi sản xuất.
Các địa phương chủ động phát thông tin về ATNĐ trên các hệ thống giám sát thiên tai của tỉnh. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Dự báo áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên khi đi vào Biển Đông, đêm nay biển động rất mạnh...
Nguồn: [Link nguồn]