Đêm mai, bão Kalmaegi đổ bộ vào Quảng Ninh-Hải Phòng

Bão Kalmaegi đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với sức gió cấp 12, giật cấp 15, 16. Dự báo, đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17/9, bão sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Khi đổ bộ, bão gây mưa lớn, sức gió cấp 11.

Chiều 15/9, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 26 tỉnh đối phó bão Kalmaegi. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Đêm mai, bão Kalmaegi đổ bộ vào Quảng Ninh-Hải Phòng - 1

Đường đi của cơn bão Kalmaegi.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 17h ngày 15/9, bão Kalmaegi đang di chuyển hướng Tây Tây Bắc, mạnh cấp 12, giật cấp 15, 16. Dự báo, đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17/9, bão sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sau đó, bão giữ nguyên hướng, đi sâu vào đất liền các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và dần dần suy yến thành vùng áp thấp.

Vùng biển Nam Định, Thái Bình khi bão đổ bộ có gió giật cấp 8,9. Thủ đô Hà Nội có gió giật cấp 6,7.

Bắt đầu từ chiều mai (ngày 16/9), ở Bắc Bộ có mưa to, rất to, lượng mưa phổ biến từ 200-300mm. Riêng tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng, mưa tập trung mạnh vào đêm ngày 16/9. Vùng núi phía Bắc sẽ có lượng mưa từ 100-200mm.

Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng phía Bắc và Tây Bắc như tỉnh Quảng Ninh; Lạng Sơn; Tuyên Quang; Hà Giang; Yên Bái.

“Cơn bão Kalmaegi đang có xu hướng mạnh lên, di chuyển nhanh (25-30km/1h). Do vậy, diễn biến của bão phức tạp, các phương cần hết sức đề phòng khi bão đổ bộ. Đặc biệt, các tỉnh vùng núi cần chuẩn bị phương án đối phó với mưa lớn, sạt lở đất sau khi bão đổ bộ”, ông Cường chia sẻ.

Đêm mai, bão Kalmaegi đổ bộ vào Quảng Ninh-Hải Phòng - 2

Cuộc họp giao ban trực tuyến đối phó với bão Kalmaegi do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hiện nay, ở các tỉnh, địa phương vẫn còn nhiều tàu bè chưa vào nơi neo đậu an toàn.

“Tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão, trước 5h ngày 16/9, phải yêu cầu các tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Đặc biệt, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng phải kiên quyết không cho người dân ở trên chòi nuôi ngao, lồng bè khi bão đổ bộ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bộ Trưởng Phát cho biết thêm, trong cơn bão số 2, ở vùng biển không thiệt hại về người nhưng ở vùng núi lại có 28 người thiệt mạng. Trong đó, 21 người bị lũ cuốn trôi, 7 người chết do sạt lở, 3 người chết do sét đánh. Do đó, các địa phương phải có biện pháp tuyên truyền phổ biến tới người dân không đi qua suối khi  mưa lũ xảy ra.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, qua nghe dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương thấy đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Đối với các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng phải khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú. Lãnh đạo các tỉnh phải thường xuyên theo dõi diễn biến mới của bão, để chủ động sơ tán dân, cho học sinh nghỉ học khi bão vào. Đặc biệt, phải dừng các cuộc họp không cần thiết, chuẩn bị phương án đối phó với bão. Trong ngày 16/9, lãnh đạo tỉnh phải đi kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó bão ở địa phương.

“Còn lãnh đạo các tỉnh ở vùng núi, phải rà soát lại các địa điểm dễ bị sạt lở, bị ngập, tuyên truyền cho người dân biết. Thậm chí, phải cử người canh gác ở những nơi này, không cho người dân đi qua khi mưa lũ xảy ra”, Phó Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của bộ đội biên phòng các tỉnh thành phố tử Quảng Ninh đến Bình Thuận, đến 14h30 phút ngày 15/9, đã thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho trên 81.000 phương tiện, lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản biết để chủ động phòng tránh.

Dừng họp để chuẩn bị phương án chống bão

Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, cho biết, trong ngày 15/9, tỉnh đã cuộc họp khẩn với các bộ, ban nghành phòng chuẩn bị phương án phòng chống bão. Ngày 16/9, sẽ tổ chức các đoàn đi xuống các vùng yếu, địa phương kiểm tra công tác đối phó. Đến 15h chiều, Bộ đội biên phòng các địa phương đã thông báo cho 4.000 phương tiện biết để chủ động phòng tránh. Trên Cảng Hải phòng, 112 tàu vận tải lớn đã triển khai chằng chống. Đến trưa mai, cấm các tàu du lịch hoạt động tuyến Hải Phòng – Cát Bà. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động tàu SA 273 ra huyện đảo Cát Bà sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi sự cố xảy ra.

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, 16h30 chiều 15/9, ngay sau khi nhận thông tin, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã có 2 công điện gửi tới các bộ, ngành địa phương yêu cầu phải chuẩn bị phương án sẵn sáng ứng phó bão. Trong 245 tàu đánh bắt xa bờ, còn 25 tàu chưa liên lạc được.

Trưa ngày 16/9, toàn bộ 500 tàu du lịch sẽ vào bờ an toàn. Các địa phương, chậm nhất đến tối mai phải di chuyển người ở lồng bè lên bờ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN