Đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn mức cao: Các chuyên gia nói gì?
Các chuyên gia cho rằng tại Việt Nam không phù hợp để áp dụng hình thức xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn mức 3 dù chưa gây hậu quả.
Vừa qua, tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng cần xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn vượt mức 3 dù chưa gây hậu quả.
Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, người tham gia giao thông và bạn đọc. Dưới đây là một số ý kiến của các chuyên gia, người lái xe trao đổi cùng PLO.
Xử lý hình sự sẽ hạn chế quyền của người dân
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng việc uống rượu bia là hành vi vi phạm về pháp luật về mặt hành chính và hiện luật có quy định.
“Hành vi này căn cứ mức độ vi phạm về nồng độ, thì phát hiện nếu người tham gia giao thông thì xử phạt bằng tiền, giam xe, tước bằng lái…tuy theo tính chất mức độ tương ứng để xử phạt. Còn với việc xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến mất hoàn toàn kiểm soát, có thể gây tai nạn giao thông …thì xử lý hình sự mà luật hình sự quy định”- luật sư Tuấn cho hay.
Các chuyên gia đều không đồng tình với việc xử lý hình sự khi tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TN
Luật sư Tuấn nhận định việc xử lý hình sự về hành vi uống rượu bia có nồng độ cồn là không phù hợp, nếu họ uống mà không tham gia giao thông, không nên cứng nhắc việc này sẽ làm hạn chế quyền của người dân.
“Việc xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi uống rượu bia, nhất là uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép, rồi chạy xe gây nguy hiểm, gây tai nạn là rất cần thiết”- luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Thay vì xử lý hình sự, Luật sư Tuấn đề xuất nếu chưa gây thiệt hại về người, tài sản thì chưa thể có đủ căn cứ, cơ sở để xử lý hình sự. Cần nghiên cứu rất kỹ việc này. Cho nên cần tăng mức phạt cho từng tỉ lệ nồng độ, khi uống rượu bia mà tham gia giao thông? Như tước bằng lái xe, giam xe thời gian dài hơn, phạt nặng hơn… mang tính răn đe hơn, nhưng cũng nên quy định định lượng về nồng độ cho phép.
Nên phạt bằng cách làm công ích cho xã hội
Anh Nguyễn Minh Quang, chủ một garage ô tô cũ tại TP.HCM cho rằng hình thức này đã được áp dụng ở nước ngoài khá lâu nhưng văn hóa mỗi nơi khác nhau và nhận thức con người cũng khác nhau nữa.
Một số ý kiến đề xuất nên làm công ích thay vì xử lý hình sự người vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TN
“Phải xây dựng từ đầu từ thấp đến cao, giờ đùng đùng đưa vào luật xử lý hình sự, người uống rượu bia phải đi tù thì khó lắm. Cách tốt nhất là xây dựng tăng mức phạt lên cao, thay vì phạt hình sự có thể thay thế mức phạt bằng cách làm công ích cho xã hội. Cái này thấy phù hợp hơn”- anh Quang cho hay.
Anh Quang cũng cho biết thêm, nếu mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng, ảnh hưởng đến “túi tiền” của người dân thì sẽ tác động đến ý thức của họ.
“Phạt càng cao thì người dân càng ngại, nếu như vậy các dịch vận tải dịch kinh doanh vận tải sẽ tăng, người dân sẽ dùng dịch vụ nhiều hơn. Các quán ăn sẽ có dịch vụ kèm theo cho người đến quán. Thế nên phạt tù thì không có khả thi cho dân được”- anh Quang nhấn mạnh.
Cần thống nhất quy định về luật
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM cũng không ủng hộ vấn để này. Ông cho biết một số nước trên thế giới có xử lý hình sự cũng là đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn và gây tai nạn chết người.
“Quan điểm của tôi thì Việt Nam không nên như thế, vi phạm hành chính hiện nay cũng đã khá nặng rồi, người vi phạm cũng đã phải nộp phạt hàng chục triệu đồng. So với mức lương của một công chức bình thường ở thành phố, đô thị đã quá cao với người lao động bình thường”- ông Tính cho hay.
Theo ông Tính, hiện nay luật quy định về vấn đề nồng độ cồn tại Việt Nam cũng đã không chuẩn, chồng chéo với nhau. Vì Luật giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019 về nồng độ cồn cũng không đồng nhất. Nghị định 100/2019 xử phạt cao hơn so với Luật. Nhưng theo nguyên tắc thì chỉ có Bộ Luật mới được cao hơn so với luật.
Người vi phạm nồng độ cồn đang bị xử phạt hành chính khá cao. Ảnh: TN
“Phong tục tập quán của người Việt thường các đám ma chay, cưới hỏi đều sử dụng rượu bia. Thế nên chỉ nên áp dụng mức luật giao thông đường bộ cho phép mà thôi”- ông Tính nhấn mạnh.
Theo ông Tính thì việc gây ra tai nạn giao thông không ai muốn, việc này chỉ là bất ngờ, ngẫu nhiên. Người tài xế lái xe luôn tuân thủ để thực hiện công việc tài xế của mình, còn vấn đề an toàn giao thông trên đường nó có nhiều vấn đề chứ đâu riêng gì về nồng độ cồn gây ra.
“Từ phạt tiền sang phạt tù sẽ không hợp lệ”- ông Tính nói thêm.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng mức vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, người điều khiển mất kiểm soát hoàn toàn cơ quan chức năng có thể truy tố, xử lý hình sự
Nguồn: [Link nguồn]