Đề xuất ứng tiền mua thẻ BHYT cho người nghèo

Việc tăng viện phí đã khiến lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi nếu không được quỹ BHYT chi trả, nhiều đối tượng (đặc biệt là đối tượng khó khăn) không thể tiếp cận dịch vụ y tế vì giá quá cao.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ sẽ trình Chính phủ và Bộ Tài chính, đề nghị sẽ ứng tiền mua trước thẻ BHYT cho người cận nghèo mà đã được Nhà nước hỗ trợ 70%, khi đến khám họ phải đóng nốt 30% và họ vẫn được hưởng quyền lợi đầy đủ như những bệnh nhân BHYT khác.

Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2011-2015 và 2020.

Đề xuất ứng tiền mua thẻ BHYT cho người nghèo - 1

Bộ Y tế cho biết sẽ đề nghị ứng tiền mua thẻ BHYT cho người nghèo để đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ y tế - (Ảnh: C.Q)

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ tham gia BHYT với người cận nghèo mới đạt trên 25% (mặc dù đã được hỗ trợ tới 70%), còn những người tham gia BHYT tự nguyện là lao động tự do, nông dân thì không biết mua thẻ BHYT ở đâu.

Bộ Y tế đưa ra 2 phương án để tiến tới BHYT toàn dân.

Phương án 1 là mức đóng giữ nguyên (4,5% tháng lương tối thiểu) và mức lương tối thiểu tăng theo lộ trình của Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ. Như vậy, bình quân mỗi năm Ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng tăng thêm khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Phương án 2 là mức đóng tăng lên 5% và mức lương tối thiểu tăng theo lộ trình của Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ. Như vậy, bình quân mỗi năm Ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng tăng thêm khoảng 8 nghìn tỷ đồng.

Tăng viện phí: Tập trung cải thiện thái độ cán bộ y tế

Liên quan đến vấn đề tăng viện phí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết chất lượng dịch vụ chưa thể tăng ngay lập tức mà phải có thời gian.

Tuy nhiên, trước mắt, ngành y tế sẽ tập trung cải thiện thái độ phục vụ bệnh nhân của các cán bộ y tế, dần nâng cao chất lượng phục vụ.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đánh giá phương án 1 là khả thi và có khả năng cân đối quỹ.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Chúng tôi luôn luôn phải tính quỹ đó làm sao phải được sử dụng một cách hiệu quả và các chi trả cho người bệnh thông qua bệnh viện phải đúng các quy định của pháp luật.

Chúng ta phải tính toán lại cái hỗ trợ chi thường xuyên từ Ngân sách cho các cơ sở khám chữa bệnh theo hướng giảm dần đi, nâng phần hỗ trợ của Nhà nước sang cho người dân để mua thẻ BHYT”.

Theo quan điểm của Bộ Y tế, việc thực hiện BHYT toàn dân phải đạt 3 mục tiêu: Số lượng người dân tham gia BHYT tăng lên; Số lượng dịch vụ y tế nhiều hơn; Chi phí tiền túi thấp đi. Bộ Y tế cho biết tới đây sẽ rà soát lại danh mục thuốc BHYT để cân đối quỹ và quyền lợi của người bệnh.

Nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ y tế còn kém, phương thức thanh toán còn lạc hậu, người bệnh chưa hài lòng với nhân viên y tế, vì vậy, để người dân tham gia BHYT các bệnh viện (đặc biệt là công lập) phải nhận thức được vai trò cung cấp dịch vụ đối với người bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cẩm Quyên (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN