Đề xuất tịch thu xe: Nguy cơ thành bãi giữ xe khổng lồ
Thêm những ý kiến chuyên gia cho rằng chưa thể áp dụng ngay đề xuất tịch thu xe của người vi phạm nồng độ cồn như đề xuất của Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia.
Bổ sung luật để tạo sự thống nhất
Tại Hội thảo Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn do Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức ngày 11.3, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng: “Về cơ bản đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia không trái Hiến pháp, Luật dân sự, phù hợp Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên có vi phạm Hiến pháp 2013 hay không thì phải xem xét luật quy định chung chung hay quy định cụ thể”.
Theo luật sư Hải, Hiến pháp có quy định về bảo hộ tài sản công dân, chưa nói đến vấn đề tịch thu. Nhưng trong Hiến pháp cũng có đưa ra khả năng có thể hạn chế quyền sử dụng và quyền sở hữu. Như vậy, có thể chấp nhận được vì tịch thu cũng là một dạng hạn chế quyền sở hữu. Còn trong thực tế, có quy định về tịch thu. Đó là Điều 40, 41 Bộ luật Hình sự; Điều 254 Bộ luật Dân sự và một số điều trong Luật Xử phạt hành chính 2012.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng khẳng định, việc tịch thu phương tiện có thể áp dụng với vi phạm ATGT nghiêm trọng do lỗi cố ý. Ở đây, uống rượu bia quá quy định điều khiển phương tiện giao thông là hành vi pháp luật cấm, phải khẳng định đó là hành vi nghiêm trọng. Dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã có quy định tịch thu khi xe không chính chủ, ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Điều 126 đã nêu rõ phương tiện trả về cho chủ sở hữu, người mượn xe nộp khoản tiền bằng giá trị chiếc xe. Nếu chủ sở hữu giao xe cho một người không được phép thì phương tiện vẫn bị tịch thu”.
Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay: “Quan điểm của nhà quản lý, nhà làm luật của Bộ Y tế là ủng hộ hoàn toàn đề xuất của Ủy ban ATGT để giảm được TNGT gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng và các tổn hại khác với xã hội”.
Chưa thể áp dụng ngay
Theo TS Thành, nếu luật đặt ra không đúng, biến hầu hết người dân thành tội phạm thì cần xem xét lại. TS Đồng Xuân Thành khẳng định: “Tính chất pháp lý của đề xuất hiện chưa chuẩn. Về cơ bản, tôi nghĩ chưa áp dụng được ngay, còn tiến hành nhiều biện pháp khác. Tôi cũng đồng ý với đề xuất không để lực lượng cảnh sát giao thông ra quyết định tịch thu phương tiện. Một anh cảnh sát giao thông không nên có quyền tịch thu một chiếc xe trị giá cả tỷ bạc”.
Đồng quan điểm, ông Phan Hữu Thư – nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp cho hay: “Quy phạm pháp luật đưa ra phải có tính cân bằng, khả thi, hợp lý. Người dân ủng hộ người ta mới chấp hành. Lộ trình áp dụng chế tài mạnh chưa nên làm ngay”.
Ông Thư ủng hộ quan điểm áp dụng chế tài mạnh đối với tài xế say xỉn điều khiển phương tiện giao thông, nhưng cần phải có từng bước. Ông Thư đề xuất: “Tôi đồng ý là có thể tịch thu phương tiện, nhưng không phải vi phạm lần đầu. Đó là phải áp dụng với đối tượng đã vi phạm nhiều lần, không thể cải tạo được nữa. Đó có thể là lần vi phạm thứ 3, thứ 4”.