Đề xuất tịch thu xe: “Nên áp dụng cho người tái phạm”
“Đề xuất tịch thu phương tiện của tài xế có nồng độ cao nên áp dụng đối với các trường hợp nghiêm trọng và tái phạm”, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - bày tỏ.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG) vừa đề xuất: người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt 80mg/100ml máu sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Nguyễn Đức
Việc này thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Nhiều người cho rằng, mức phạt trên là quá cao, trong khi nồng độ cồn của lái xe đến mức bị tịch thu xe là quá thấp.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Là thành viên soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia, bà nhận định thế nào về đề xuất trên?
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
Về mặt pháp lý, đề xuất có cơ sở. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, hành vi này có thể bị phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn và tịch thu phương tiện.
Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ cũng quy định, người điều khiển phương tiện trên đường có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. Tuy nhiên, mức phạt này hiện chưa bảo đảm tính răn đe và hạn chế hành vi vi phạm.
Để bảo đảm tính mạng người dân, tôi ủng hộ các biện pháp mạnh và hiệu quả. Tuy nhiên, nơi đề xuất cần nghiên cứu quy định phù hợp và kèm theo các biện pháp thực hiện nghiêm, bảo đảm tính khả thi.
Có ý kiến cho rằng, ô tô là tài sản lớn, nếu vi phạm lần đầu đã tịch thu là quá nặng. Bà nghĩ sao?
Dù đó là tài sản lớn, thuộc sở hữu cá nhân nhưng do người có nồng độ cồn trong máu cố tình điều khiển trên đường nên vẫn bị coi là vi phạm hành chính. Người vi phạm có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đề xuất cần lưu ý về tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, đối tượng vi phạm, tình tiết tăng nặng… Theo tôi, cần sửa luật, mở rộng thẩm quyền để bảo đảm tính kịp thời trong xử lý. Ngoài tịch thu phương tiện, cơ quan đề xuất nên nghiên cứu các biện pháp khác, hiệu quả hơn.
Nên tiếp tục nghiên cứu đề xuất một cách phù hợp và cùng với xem xét sửa đổi đồng bộ các quy định khác của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tịch thu phương tiện, nếu có, nên áp dụng đối với các trường hợp nghiêm trọng, tái phạm; đồng thời, đề xuất nên tham khảo kinh nghiệm của các nước như đưa một số hành vi có mức độ nghiêm trọng vào xử lý hình sự...
Ngoài ra, cơ quan đề xuất nên xem xét, nâng mức phạt tiền tối đa từ 15.000.000 đồng hiện nay lên 40.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền phải yêu cầu người vi phạm không được tiếp tục điều khiển ô tô; bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục liên tục để người dân nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi và không sử dụng rượu bia khi lái xe.
Phần lớn các tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia mà trung bình mỗi người Việt tiêu thụ 34 lít bia/năm và gần 6 lít rượu/năm. Theo bà, con số này nói lên điều gì?
Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng gia tăng nhanh về mức tiêu thụ rượu, bia trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới trong thập kỷ qua hầu như không thay đổi.
Nếu không có các biện pháp kiểm soát sẽ đối mặt với nguy cơ lạm dụng rượu bia và các hệ lụy xã hội.
Theo thống kê trên thế giới, phí tổn do lạm dụng rượu, bia gây ra thường chiếm từ 2% đến 8% GDP của mỗi quốc gia. Nếu phí tổn liên quan đến lạm dụng rượu, bia của Việt Nam ở mức thấp nhất so với thế giới là 2% GDP vào năm 2011 thì thiệt hại kinh tế ước tính đã lên đến 46.000 tỷ đồng. Con số này gấp hơn 3 lần lợi ích thu được cho ngân sách nhà nước từ sản xuất rượu, bia.
Biểu đồ thống kê số ca tử vong do tai nạn có liên quan đến rượu, bia.
Ảnh: Nguyễn Lý
Biểu đồ Lượng bia người Việt Nam tiêu thụ 3 năm vừa qua. Ảnh: Nguyễn Lý