Đề xuất thu phí phương tiện: Hà Nội ùn tắc không phải lỗi của dân
Chuyên gia giao thông cho rằng, việc Hà Nội thu phí sẽ khiến cho hàng hoá đưa vào nội đô sẽ tăng cao vì phải gánh thêm loại phí này và câu hỏi đang đặt ra sẽ thu phí bằng cách nào? Khu vực được phân vùng từ đâu?
Hà Nội đang lên kế hoạch thực hiện nghị quyết về đề án "tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030", trong đó có nội dung thu phí phương tiện vào nội đô đang được dư luận quan tâm.
Đặc biệt, người dân đặt ra nhiều giả thiết, Hà Nội sẽ thu phí bằng cách nào? Khu vực thu phí được phân vùng từ đâu?
Hà Nội xây dựng kế hoạch thu phí phương tiện vào nội đô
Hà Nội đến năm 2030 số ôtô đạt hơn 1,9 triệu Theo thống kê, giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn thành phố có trên 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn ôtô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ôtô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm. Chỉ tính đồng thời 60% số phương tiện cùng hoạt động đã chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ôtô và xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu (hiện nay là 5 triệu xe máy, 500.000 ôtô). Giải thưởng ý tưởng chống ùn tắc giao thông trị giá 100.000 USD đã được trao cho liên danh 3 đơn vị, trong đó có 2 công ty nước ngoài. |
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông cho biết: “Mỗi một đường làm 1 trạm thu phí là không ổn”.
Thưa ông! Hiện nay, TP.Hà Nội đang lên kế hoạch thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông, quan điểm của ông như thế nào về việc này?
Để thu phí được phương tiện đi vào nội đô thành phố là một việc sẽ rất khó để áp dụng. Hiện nay, chúng ta chưa có luật nào cho phép các thành phố thu phí phương tiện vào nội đô, vì vậy để thực hiện được việc này sẽ phải sửa luật mới áp dụng thu phí được. Việc thu phí phải thực hiện theo luật chứ không phải muốn thu là thu được ngay.
Sau đó, nếu muốn thu được phí các phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc Hà Nội phải xác định chỗ nào là điểm ùn tắc thì mới thu phí, nhưng ùn tắc giao thông ít khi xuất hiện cả ngày, chỉ ùn tắc trong một thời gian nhất định. Trong khi, Hà Nội có nhiều đường đi vào nội đô chẳng lẽ mỗi một đường lại làm 1 trạm thu phí như thế là không ổn.
Cần phải lưu ý rằng, Hà Nội ùn tắc đâu phải lỗi của người dân mà có cả lỗi của đơn vị quy hoạch, quản lý. Cụ thể, ở Hà Nội có nhiều đoạn đường hẹp phải gồng gánh tới hàng chục tòa nhà chung cư, tắc đường là chuyện hiển nhiên. Một bài toán khó, cần có lời giải nữa là sẽ thu phí ra sao, thu phí bằng cách nào... để đảm bảo công bằng cho người dân?.
Theo ông việc thu phí ô tô vào nội đô có phát sinh nhiều bất cập không?
Theo lộ trình trong tương Hà Nội thu phí ô tô vào nội đô, như vậy cần phải làm rõ người dân ngoại đô vào nội đô có bị thu không? Hay thu theo biển số xe? Nếu thu theo kiểu không dừng thì lại phải lập bao nhiêu trạm thu phí tại các điểm ùn tắc, nhưng ở Hà Nội đâu phải lúc nào cũng ùn tắc giao thông mà lập trạm, chưa kể đến việc dán tem thu phí không dừng. Còn điểm bất cập nữa là những người ở tỉnh lẻ, cả năm họ mới lên Hà Nội một vài lần, chẳng lẽ họ cũng phải dán tem thu phí này?
Đặc biệt, việc thu phí sẽ khiến cho hàng hoá đưa vào nội đô sẽ tăng cao vì phải gánh thêm loại phí này. Hà Nội đã có hàng chục giải pháp chống ùn tắc từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả, phải chăng Hà Nội bế tắc trong việc giải quyết ùn tắc nên nghĩ ra việc thu phí này.
Còn đối với phí môi trường, hiện nay, chúng ta đã đánh thuế môi trường vào xăng dầu rồi, bây giờ lại thu phí khí thải xe thì có phải là phí chồng phí không? Để thu được phí môi trường từ các xe lại phải tiêu tốn thêm các chi phí kiểm định chất lượng. Đáng chú ý nữa thu phí là một hình thức để tăng nguồn thu chứ không phải là một biện pháp để cưỡng chế cho những việc khác.
Hà Nội sẽ cần phải làm gì để có thể thu phí phương tiện vào nội đô giảm ùn tắc giao thông?
Việc thu phí phương tiện vào các điểm ùn tắc giao thông có rất nhiều khía cạnh riêng biệt. Trong đó, có nhiều công cụ để áp dụng như: Cưỡng chế, thu phí,...
Trên thế giới người ta đã áp dụng phương án thu phí này rồi. Để có tính pháp lý thu phí, Hà Nội phải đưa ra được quy chuẩn xác định nơi nào ùn tắc, khi nào ùn tắc thì mới thu phí được. Thực tế, nói là thu phí vào điểm ùn tắc nghe không hợp lý chút nào. Để thu phí phải phân định được ranh giới đi qua, trong khi mạng lưới giao thông của Hà Nội rất lộn xộn làm được việc này rất khó...
Xin cảm ơn ông!
Sở GTVT và đơn vị tư vấn nghiên cứu vẫn chưa chốt phương án chính thức khu vực thu phí, phân vùng thu phí như thế nào cũng như hình thức thu ra sao. Dự kiến, cuối năm 2019, Sở GTVT sẽ chốt phương án để trình HĐND TP.Hà Nội vào kỳ hợp HĐND cuối năm nay. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, để có thể thu phí được phương tiện đi vào nội đô, Hà Nội cũng sẽ lập trạm thu phí tự động theo giờ cao điểm và phân vùng hạn chế ô tô. Đồng thời, sẽ thu phí tự động để hạn chế phương tiện vào khu vực nội đô vào giờ cao điểm. Trong 2 năm qua, Sở GTVT đã triển khai các chủ trương về nội dung hạn chế phương tiện vào nội đô. Từ năm 2019, Hà Nội sẽ bắt tay thưc hiện các vấn đề cụ thể. Trong đó, có đưa ra các giải pháp hạn chế xe cá nhân ở khu vực nội đô. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đối với xe máy, theo đề án đã có, lộ trình hạn chế tiến tới dừng hoạt động vào năm 2030. Tuy nhiên, để thực hiện được Sở GTVT Hà Nội và các sở ngành liên quan phải thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng, vận tải công cộng. Hà Nội phấn đấu riêng phương tiện vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 phải đáp ứng được 25 đến 30% nhu cầu đi lại của người dân (hiện nay đã đạt khoảng 17%). Để khi bỏ xe máy, xe cá nhân, người dân có thể dễ dàng tiếp cận xe buýt hoặc đường sắt đô thị… Với ô tô và các loại xe cá nhân khác, sẽ không cấm nhưng thành phố sẽ đưa ra các giải pháp hạn chế bằng luật pháp và các biện pháp kinh tế. Cụ thể, sẽ thực hiện song song các nội dung, bao gồm: Lắp hệ thống thu phí tự động (tương tự như thu phí không dừng tại các trạm BOT) để thu phí ô tô đi vào nội đô trong giờ cao điểm; Cùng với đó là phân vùng, phân từng tuyến phố để thực hiện. Ranh giới được xác định để thực hiện thu phí vào nội đô là từ đường vành đai 3 trở vào. Việc thu phí tự động phương tiện chỉ diễn ra tại những tuyến đường, khu vực thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Với những tuyến đường, khu vực ít xảy ra ùn tắc hoặc phương tiện đi vào nội đô ngoài giờ cao điểm sẽ không bị thu phí. |
Sở GTVT Hà Nội vừa thống nhất với Viện Chiến lược và phát triển GTVT (đơn vị tư vấn) hoàn thành đề cương trình TP...