Đề xuất thí điểm tổ hợp giải trí đêm ở 12 địa phương

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương theo kiểu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí riêng biệt.

15h ngày 5/6, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong báo cáo gửi đại biểu, ông cho biết nhiều địa phương đã triển khai đề án phát triển kinh tế đêm, tập trung vào du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Một số sản phẩm du lịch đêm tiêu biểu đã ghi dấu ấn với du khách như: "Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học","Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm","Phố đêm du thuyền Hạ Long","Quận 1 - Sắc màu đêm".

Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa khác cũng thu hút du khách như biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại. Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng cho rằng chính sách khuyến khích phát triển du lịch đêm vẫn còn thiếu. Sản phẩm du lịch đêm đơn điệu, chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, mua sắm, ẩm thực, chợ đêm. Quy hoạch không gian riêng, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế và chưa có cơ chế đặc thù.

"Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương", ông Hùng cho hay.

Khai trương dịch vụ đêm qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, Đà Nẵng, tối 31/5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Khai trương dịch vụ đêm qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, Đà Nẵng, tối 31/5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Bộ Văn hóa dự định phát triển mô hình du lịch đêm theo kiểu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Để vận hành trơn tru, Bộ sẽ ban hành các quy chế, quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo đồng bộ, an toàn, đúng pháp luật.

Ông Hùng đề xuất quảng bá mô hình du lịch đêm "hướng đến nhóm khách lưu trú dài ngày, khả năng chi tiêu cao, sử dụng các sản phẩm chất lượng cao".

Hiện nay du lịch Việt Nam thiếu các hoạt động vui chơi, tham quan, giải trí cho du khách, nhất là các hoạt động về đêm. Khảo sát từ Tổng cục Du lịch cho thấy chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 chủ yếu là dành cho thuê phòng, ăn uống (chiếm 56-60%); mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%, còn lại là chi phí khác.

Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi, chi phí bỏ ra chỉ bằng 7-10% tổng chuyến đi. Trong khi đó tại Malaysia, Thái Lan, con số này là 40-50%, thậm chí 70%.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Giang Huy

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Giang Huy

Trong phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Ông Hùng cũng sẽ trả lời việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; phát triển sản phẩm du lịch đêm và chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo chương trình dự kiến, trong tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV (từ ngày 3 – 8/6/2024), Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dự ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN