Đề xuất thí điểm khu thương mại tự do Đà Nẵng – mô hình mới hoàn toàn tại Việt Nam
Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho thí điểm phương án phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng – một mô hình mới hoàn toàn và chưa được luật hóa tại Việt Nam.
Đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù tại Đà Nẵng
Sáng nay, 31-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình ra Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo dự thảo Nghị quyết, có 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm. Trong đó có 6 chính sách tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung và 5 chính sách đề xuất mới.
Chẳng hạn, về mô hình tổ chức chính quyền đô thị, một chính sách đáng chú ý là bổ sung chức danh Trưởng công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận đối với cơ cấu UBND quận; Bổ sung chức danh Trưởng công an phường đối với cơ cấu UBND phường.
Đà Nẵng sẽ được quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện. Đà Nẵng cũng sẽ thành lập Sở An toàn thực phẩm, giống như TP HCM đã triển khai...
Đối với các chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố Đà Nẵng, đáng lưu ý là chính sách thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với khu thương mại tự do. Trong khi đó, đây là mô hình kinh tế phổ biến đã có trên 150 quốc gia.
Thực tế Việt Nam cũng đã từng bước tiếp cận tới mô hình kinh tế này thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như: khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế… nhằm tiến tới thành lập khu thương mại tự do ở Việt Nam để hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới như EU, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…, tiếp cận có chọn lọc các chính sách ưu đãi đã thành công từ các mô hình kinh tế đã được triển khai trong nước, dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ.
Dự thảo cũng quy định các chính sách thí điểm tại khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay. Trong quá trình triển khai sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng cho phù hợp.
Theo ông Dũng, việc phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Mô hình đầu tiên này cũng là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo
Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, liên quan đến đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, đây là chính sách mang tính đột phá, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và của cả Vùng.
Việc này cũng có ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường, lựa chọn lĩnh vực đột phá để tập trung phát triển là vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
“Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần” – ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh và cho biết đề xuất này được đa số ý kiến Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành
Dù vậy, theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.
Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ, quy định cụ thể về một số nội dung như nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng, khu thương mại tự do, tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền...
Nguồn: [Link nguồn]
Chính phủ đã trình ra Quốc hội 14 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có 4 chính sách mới, nhất là đề xuất tăng thêm 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh...