Đề xuất thêm 3 chức vụ lãnh đạo quan trọng vào diện đối tượng cảnh vệ
Đa số ý kiến các đại biểu ủng hộ việc bổ sung Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện VKSND tối cao vào diện đối tượng cảnh vệ.
Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp thứ 30 diễn ra vào chiều nay (22-2), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Thông tin từ Cổng TTĐT của Quốc hội, trước đó, chiều 20-2, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Ảnh: QH
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết Luật Cảnh vệ năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018, qua năm năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số vướng mắc, bất cập.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua năm năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận...
Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Ảnh: QH
Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho biết qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Theo Đại tá Vũ Huy Khánh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện VKSND tối cao là nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng, áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) tham dự.
Việc thu hẹp diện hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ là điều kiện để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thống nhất với quy định của Hiến pháp, phù hợp điều kiện an ninh trật tự ở nước ta. Đồng thời, tránh việc dàn trải, tốn kém ngân sách nhà nước và khó khăn trong việc triển khai lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ...
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung. Ảnh: QH
Tham gia thảo luận, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung bày tỏ đồng tình với các quy định của dự thảo luật như bổ sung ba đối tượng cảnh vệ; thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội; bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định của Luật Cảnh vệ...
Còn trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp theo quy định.
"Quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, tôi thấy linh hoạt như này là phù hợp. Trên thực tế, về đối ngoại, các đối tượng cảnh vệ rất đa dạng, nhiều nước đang phát triển người lãnh đạo đi ra nước ngoài có thể gặp rủi ro về mặt an ninh. Nếu tất cả những việc ấy trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định có thể sẽ không đảm bảo yêu cầu" – ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ nhất trí với việc bổ sung thêm ba đối tượng cảnh vệ. Ảnh: QH
Nhất trí với quy định này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng hiện nay có nhiều yếu tố xảy ra đột xuất, bất ngờ, không lường trước được. Nếu khởi động quy trình theo luật thì sự kiện qua lâu rồi, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp cho đối tượng cảnh vệ. Đồng thời, khi xây dựng dự án luật, Bộ Công an cũng đã tính toán kỹ là cần thiết hay không cần thiết.
Còn theo quan điểm của Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao Ngô Văn Nhạc, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát các hoạt động tố tụng, với tính đặc thù công việc liên quan trực tiếp đến chỉ đạo tổ chức giải quyết các vụ án, vụ việc, xử lý tội phạm, tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ bị kẻ xấu đe doạ, xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ... Do đó, việc bổ sung hai đối tượng này là đối tượng cảnh vệ hết sức cần thiết.
“Chúng tôi cũng nhất trí bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an trong trường hợp cấp thiết áp dụng các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, các hoạt động đối ngoại của đất nước” – ông Nhạc nói.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp Cơ quan soạn thảo tiếp tục giải trình cho thuyết phục hơn, hoàn chỉnh hồ sơ, gửi sớm để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (lần 2).