Đề xuất quy định bệnh nhân được quyền yêu cầu bác sĩ, bệnh viện xin lỗi

Sự kiện: Thời sự

Đề xuất này được đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước đưa ra khi thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Chiều 6-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến các nội dung như: Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn của giấy phép hành nghề; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nhấn mạnh dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là dự án Luật rất quan trọng, tác động đến mọi người dân, nội dung sửa đổi của Luật phải thể hiện được sự ưu việt của xã hội ta. Với số lượng lớn nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đại biểu Lê Hoàng Anh bày tỏ băn khoăn việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp lần này.

Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, hồ sơ dự án luật gửi đến cho đại biểu Quốc hội quá sát với thời điểm diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 2 nên đại biểu không đủ thời gian để nghiên cứu. Cụ thể, theo ông Anh, có bộ tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội vào 21 giờ 55 phút ngày 4-1 (kỳ họp khai mạc sáng 5-1).

Vị đại biểu cho rằng với thời gian gấp như vậy, đại biểu Quốc hội chỉ có vài giờ đồng hồ để nghiên cứu, đọc hàng ngàn trang tài liệu là không đủ thời gian. Bên cạnh đó, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật nhưng chưa rõ tính tương thích, tính đồng bộ với các luật khác. Trong đó, liên quan đến 2 luật đang được hoàn thiện để Quốc hội thảo luận thông qua tại Kỳ họp thứ 5 là Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu chỉ rõ luật Khám bệnh, chữa bệnh có điều khoản quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa rõ trong quy định này.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng dự thảo Luật trình Quốc hội lần này là nội dung quan trọng. Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong việc tiếp thu chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật lần này, bày tỏ đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng trong thời gian ngắn, các cơ quan đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu để bổ sung đầy đủ, sửa đổi dự thảo Luật.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước cũng bày tỏ còn có băn khoăn, cảm thấy yên tâm về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật bởi kỳ vọng và yêu cầu đối với dự án Luật này là rất lớn, đòi hỏi tính khả thi cao để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của ngành y tế, tạo động lực phát triển cho ngành y tế.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước

Đại biểu Dương Văn Phước chỉ rõ băn khoăn đối với quy định kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề. Đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần tập trung quản lý chặt chẽ, có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, đảm bảo đánh giá khách quan, năng lực hành nghề, thực hiện cấp phép hành nghề đúng quy định, áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí và không gây khó khăn, trở ngại cho người xin được công nhận năng lực hành nghề, cấp phép hành nghề.

Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư chiến lược lâu dài, trong đó có chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đội ngũ y, bác sĩ về làm việc ở tuyến cơ sở, đảm bảo thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về y tế trong thời gian tới.

Về quyền kiến nghị và bồi thường (quy định tại Điều 4 dự thảo Luật), đại biểu Dương Văn Phước cho rằng cần bổ sung một khoản về quyền của người bệnh tại điều này. Theo đó, cần quy định người bệnh có quyền được yêu cầu người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh xin lỗi khi để xảy ra sai sót trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh hoặc do lỗi chuyên môn.

"Vì trên thực tế, nhiều sự cố y khoa xảy ra do lỗi của người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh, nhưng người bệnh, thân nhân không cần bồi thường mà chỉ cần người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh xin lỗi, nên việc bổ sung quy định là cần thiết, góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, giảm thiểu việc khiếu kiện, tranh tụng phức tạp"- đại biểu Dươg Văn Phước đề xuất.

Về thu hồi giấy phép hành nghề, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị rà soát lại các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề và đề nghị không thu phí khi cấp lại giấy phép hành nghề trong trường hợp bị thu hồi do lỗi sai sót thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Nguồn: [Link nguồn]

Giám đốc Bệnh viện Ninh Thuận đến xin lỗi gia đình nữ sinh lớp 12

Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã đến nhà thắp hương và xin lỗi gia đình nữ sinh Hồ Hoàng Anh vì sai sót trong kết quả xét nghiệm nồng độ cồn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến - Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN