Đề xuất phạt "quan hệ" với người "lạ"

Các chuyên gia đề nghị chỉ cần có chứng cứ hành vi quan hệ thân xác ngoài luồng, có yêu cầu của bên bị phụ bạc là có thể xử phạt hành chính.

Ba lần "trai trên gái dưới" với người không phải vợ là... sẽ bị xử lý hình sự. Ngoại tình bị xem là lỗi trong xem xét chia tài sản, quyền nuôi con khi ly hôn.

Các quy định xử phạt việc ngoại tình hiện nay quá khó, muốn phạt hành chính phải có chứng cớ, được hàng xóm, xã hội công nhận có sống chung, tài sản chung, có con chung; muốn xử lý hình sự phải có hậu quả ly hôn hoặc có người tự sát… Một số chuyên gia đồng tình đề nghị để bảo vệ quan hệ hôn nhân gia đình bền vững, bảo vệ sự chung thủy trong đời sống vợ chồng, cần phải sửa luật, định nghĩa vi phạm chế độ một vợ một chồng bằng hành vi cụ thể và áp dụng nhiều chế tài mới nặng hơn quy định hiện nay.

Luật hiện hành: Không thể phạt

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Tôi bảo vệ cho nhiều nạn nhân bị vợ (chồng) ngoại tình nhưng lực bất tòng tâm vì không vận dụng luật để bảo vệ cho thân chủ. Có trường hợp vợ đã bắt quả tang chồng ăn nằm, có con riêng với người thứ ba rồi nhưng không làm được gì. Như quy định hiện nay thì phạt hành chính đã khó mà xử lý hình sự càng khó hơn. Theo luật hiện hành, để phạt được hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng thì phải có yếu tố “chung sống như vợ chồng”.

Thông tư liên tịch 01/2001 quy định: “Việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”. Quy định này khó thực thi. Muốn phạt hành chính người ngoại tình phải chứng minh đến ba yếu tố: Họ có con chung, có tài sản chung, quan hệ chung sống phải được hàng xóm xác nhận. Chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố này thì không thể xử phạt vì vậy rất hiếm người ngoại tình bị phạt”.

Đề xuất phạt "quan hệ" với người "lạ" - 1

Thông tư liên tịch 01/2001 quy định: “Việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”

Ăn nằm với người “lạ” một lần: Phạt!

Từ thực tế trên luật sư Thế Trạch đề nghị: “Cần có xem xét lại định nghĩa (trong Thông tư 01/2001) về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng. Theo đó, một người đã có vợ (chồng) không cần phải chung sống như vợ chồng với người khác mới là ngoại tình. Chỉ cần họ có hành vi “trai trên gái dưới” với người khác, có một nhân chứng khách quan chứng kiến thì đã là vi phạm chế độ một vợ một chồng, đủ yếu tố để phạt. Thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, việc xác định một người đang ăn nằm với người khác không khó”.

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Cừ, phụ trách khoa Pháp luật dân sự, Trường ĐH Luật Hà Nội, nói: Mục đích của việc xử phạt này là muốn răn đe những người không chung thủy. Ví dụ người đã có vợ đi ăn nằm với phụ nữ khác là không chung thủy chứ còn là gì nữa mà không cho xử phạt. Luật nên sửa đổi theo hướng chỉ cần một lần ăn nằm với người khác, có người làm chứng, bị lập biên bản thì đã xử phạt được rồi”.

Cũng đồng tình cho rằng quy định hiện hành rất khó thực thi vì khó tìm chứng cứ chung sống như vợ chồng nhưng luật sư Trương Thị Hòa có quan điểm khác: “Nếu nói chỉ cần bắt quả tang “trai trên gái dưới” là xử phạt thì cũng khó, bởi nếu đã nói đến chuyện chung sống như vợ chồng thì phải hiểu giữa hai người đó phải có một đời sống chung kéo dài. Đó là chưa nói đến có những trường hợp quan hệ vợ chồng bị trục trặc (một bên bị bệnh không thể quan hệ tình dục được chẳng hạn), người kia đi tìm người chỉ để đáp ứng chuyện đó qua đường thì không nên xử phạt”.

Luật sư Hữu Trạch cho rằng: “Đặt ra yếu tố “trai trên gái dưới” để tránh tình trạng lạm dụng luật gây rối ren trật tự xã hội. Nếu một người đã có vợ (chồng) mà cảm mến một người nào đó, hẹn hò đi ăn trưa với nhau, không vượt quá giới hạn vi phạm đạo đức, pháp luật không can thiệp. Mặt khác, để không bị lạm dụng, cần quy định rõ chỉ xử phạt được khi có yêu cầu của người vợ (chồng) của người ngoại tình. Bởi có những trường hợp vợ (chồng) ngoại tình, người kia biết mà chỉ muốn giải quyết riêng trong nội bộ gia đình thì cơ quan pháp luật không cần can thiệp”.

“Trai trên gái dưới” ba lần: Gây hậu quả nghiêm trọng

Theo quy định hiện hành, muốn xử lý hình sự hành vi này phải có một trong hai điều kiện: Một là đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Hai là gây hậu quả nghiêm trọng. Thông tư 01/2001 hướng dẫn rằng gây hậu quả nghiêm trọng là “làm cho gia đình của một hoặc hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát”. Luật sư Hữu Trạch phân tích: “Để có hậu quả nghiêm trọng này thì quá khó. Trong khi đó rất nhiều nạn nhân bị tổn thương tinh thần mà vì nhiều nguyên nhân họ không thể ly hôn. Do vậy, theo tôi cần sửa đổi hướng dẫn này theo hướng bắt quả tang ba lần “trai trên gái dưới” với người khác thì đã là gây hậu quả nghiêm trọng. Anh đã có vợ rồi mà làm chuyện đó với người khác ba lần (bất kể với một người hay nhiều người) thì xử lý hình sự được rồi. Tôi tin không có người vợ (chồng) nào mà chịu được cảnh chồng (vợ) mình ngoại tình nhiều lần như vậy được, sự tổn thất về tinh thần trong trường hợp này khó mà đong đếm được”.

Nhiều chuyên gia khác cũng đồng ý cần lượng hóa hành vi vi phạm để làm căn cứ xử lý hình sự, còn chờ đến hậu quả xảy ra nghiêm trọng có ly hôn, có người tự sát thì luật pháp không còn tác dụng phòng ngừa, răn đe.

Xem ngoại tình là lỗi khi ly hôn

Mức phạt hiện nay là quá thấp. Tôi nghĩ cần nâng lên mức 1 triệu đến 5 triệu đồng để răn đe. Trước đây, pháp luật chế độ cũ có một biện pháp răn đe hay mà ta nên tham khảo đó là khi ly hôn, hành vi ngoại tình được xem xét như một yếu tố lỗi để phân chia tài sản, giao quyền nuôi con... Người bị ngoại tình sẽ được xem xét quyền lợi khi phân chia tài sản và nuôi con.

Đó cũng là một cách răn đe vậy.

Luật sư Trương Thị Hòa

Thẩm quyền xử phạt chưa rõ

Theo Nghị định 87/2001, thẩm quyền xử phạt hành chính trong trường hợp này là chủ tịch UBND quận nhưng thực tế UBND lại đẩy qua công an. Công an thì nói vụ việc này phải chuyển qua tòa án vì phức tạp (chẳng hạn chứng cứ nào để chứng minh họ sống như vợ chồng, để xác định được đứa con có phải là của người đàn ông đó không phải đi giám định ADN...). Khi người vợ đưa vụ việc ra tòa, tòa xét rõ mâu thuẫn các bên không thể hàn gắn được thì cho ly hôn. Hết. Anh chồng ngoại tình chẳng bị phạt gì cả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Mận (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN