Đề xuất phạt nặng người lạm dụng công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi
Trước thực trạng tỷ số giới tính khi sinh gia tăng liên tục trong 18 năm qua, Bộ Y tế đề xuất luật hóa nhiều hành vi cấm và tăng mức xử phạt để chấn chỉnh.
Trong dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề nghị bổ sung quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi và tăng chế tài xử phạt với hành vi này. Cơ quan chức năng tập trung thanh tra, xử lý các tổ chức, cá nhân lạm dụng công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh.
Ngoài tuyên truyền, vận động người dân, Bộ Y tế cũng đề xuất đưa nội dung xóa bỏ phân biệt và định kiến giới lồng ghép vào chương trình giáo dục quốc dân, hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản, tổ dân phố. Chính phủ quy định trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân tại các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo Nghị định 117/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, tổ chức, cá nhân bị phạt tiền 15-20 triệu đồng nếu chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc, áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn. Cơ sở y tế, nhân viên y tế vi phạm quy định trên có thể bị đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề đến 3 tháng.
Bộ Y tế cho biết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam xuất hiện từ khoảng năm 2006. Từ năm 2012, tỷ số này luôn duy trì trên 112 bé trai/100 bé gái (ngưỡng cân bằng tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái).
Cơ quan này cảnh báo nếu tỷ số giới tính khi sinh không được khống chế sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ cấu hợp lý về giới tính và nhân khẩu học. Việc mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính cũng dẫn đến sức ép với các nam thanh niên khi "chú rể tương lai nhiều hơn cô dâu". Nhiều nam giới sẽ buộc phải trì hoãn hoặc từ bỏ việc kết hôn do không kiếm được vợ.
Theo tính toán, đến năm 2050, Việt Nam có 2,3-4,3 triệu nam thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững. Theo báo cáo về dân số của Ngân hàng Thế giới tháng 4/2022, Việt Nam đứng trước nguy cơ dư thừa nam giới trong 30 năm tới. "Tình trạng này có thể dẫn đến bạo lực giới, nạn buôn người, mại dâm, bất ổn chính trị và thiệt hại kinh tế", theo Bộ Y tế.
Các em nhỏ tại Trường mầm non Việt - Triều tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ trẻ nam nhiều hơn nữ, Bộ Y tế cho rằng các gia đình vẫn nặng tư tưởng nho giáo, tâm lý ưa thích con trai để nối dõi. Khoa học công nghệ tiến bộ khiến việc lựa chọn giới tính trước sinh dễ dàng hơn. Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nên thường thích con trai làm trụ cột về kinh tế, gánh vác công việc gia đình sau này. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi chưa được đẩy mạnh.
Cơ quan soạn thảo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 năm 2025.
Nguồn: [Link nguồn]
Tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và chiến dịch truyền thông dân số năm 2022; tuyên dương gia đình...