Đề xuất phát hành trái phiếu, thu hút vốn trong dân làm đường sắt tốc độ cao
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - kiến nghị Chính phủ có đề án về thu hút nguồn vốn trong nhân dân để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn.
Phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn
Sáng 4/10, phát biểu tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam gửi lời cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực "chăm lo đời sống và sức khỏe của doanh nghiệp”.
Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, ông Thân cho rằng, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai “siêu” dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đề cập đến thách thức về "nguồn vốn", Chủ tịch Hiệp hội DNVVN kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, có một đề án cụ thể về “thu hút nguồn vốn trong dân” cho hai dự án nêu trên.
Cụ thể, theo ông Thân, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. “Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình”, ông Thân nói.
Bên cạnh đó, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài để mua công nghệ, thuê chuyên gia... Thực hiện điều này sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.
Sớm lập trung tâm tài chính quốc tế
Đề cập đến việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC cho rằng “rất cần thiết”. Bởi Việt Nam có tiềm năng lớn về dân số và sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính trong nước, lợi thế về múi giờ đối với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới hiện hữu.
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC.
Theo bà Ngọc, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao vị thế Việt Nam.
“Đây là những lợi thế hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực, thu hút các nhà đầu tư lớn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường vốn”, bà Ngọc nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân cho rằng kinh tế số là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có một thị trường tài chính, thị trường vốn rất lớn đang được thế giới nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ nhưng Việt Nam lại đi sau - đó là thị trường tiền số.
Mặc dù Việt Nam hiện nay chưa cho phép vận hành thị trường này nhưng theo ông Thân, rất nhiều nhà đầu tư vẫn tham gia đông đảo ở các sàn tiền số trên thế giới. “Lượng tiền lưu thông trong thị trường này lên đến hàng trăm tỷ USD và là kênh huy động vốn rất hiệu quả của nhiều dự án công nghệ”, ông Thân nêu ý kiến.
Nguồn: [Link nguồn]
Đường sắt tốc độ cao qua Hà Nội dự kiến dài 27 km, ga đầu mối tại huyện Thanh Trì; đoạn qua TP HCM dài 13 km, ga đầu mối Thủ Thiêm tại TP Thủ Đức.