Đề xuất ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát: Có ảnh hưởng quyền riêng tư?
Trước đề xuất ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát, nhiều người cho rằng chỉ nên dừng lại ở mức độ khuyến khích người dân thực hiện chứ không nên bắt buộc.
Người dân ủng hộ "1 nửa" đề xuất ô tô cá nhân lắp camera giám sát
Theo Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới nhất, Bộ Công an đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe.
Cụ thể, tại Khoản 2, Mục 1, Điều 33, quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Trong đó, theo Dự thảo, xe cơ giới gồm: Xe ô tô; Rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô; Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; Xe mô tô; Xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng.
Như vậy, so với quy định hiện hành, không chỉ xe ô tô kinh doanh vận tải mà xe ô tô cá nhân cũng phải có camera giám sát hành trình.
Chi phí lắp đặt và quyền riêng tư là 2 yếu tố khiến nhiều người chỉ mới đồng tình 1 nửa đối với đề xuất ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát.
Trước đề xuất trên, đa số người dân đều đồng tình với việc xe ô tô cá nhân nên được lắp đặt camera giám sát hành trình nhưng nhiều người cũng cho rằng quy định trên chỉ nên dừng ở việc khuyến khích người dân thực hiện chứ không nên bắt buộc. Thậm chí nhiều người chỉ ủng hộ việc lắp camera giám sát hành trình (quay bên ngoài, xung quanh phương tiện) chứ không cần thiết lắp đặt thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe (camera quay bên trong xe) vì sẽ làm mất quyền riêng tư.
Theo đó, về tài chính bỏ ra để lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình (đúng tiêu chuẩn) thì rẻ nhất cũng phải 2-3 triệu đồng; chi phí duy trì kết nối, truyền dẫn dữ liệu khoảng vài trăm nghìn đồng/xe/tháng. Nếu chi phí lắp thiết bị ở mức hàng triệu đồng/xe như trên, với số lượng ô tô cá nhân trên, đã tốn chi phí ban đầu của người dân khoảng 10.000 tỷ đồng, chưa tính phí truyền dữ liệu.
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề quyền riêng tư khi đề xuất của Bộ Công an yêu cầu lắp cả thiết bị thu thập hình ảnh bên trong xe, 1 số người dân cho rằng việc này nên cân nhắc. Trên thực tế, việc camera giám sát bên trong cabin đối với phương tiện kinh doanh vận tải giúp giám sát sức khoẻ, trạng thái người lái xe, giám sát hoạt động của hành khách trên xe, ngăn các vi phạm như chèn ép hành khách... nhưng đối với xe cá nhân việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi người.
Cần làm rõ mục đích sử dụng thông tin từ camera hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đề xuất lắp camera giám sát đối với phương tiện cá nhân sẽ có tác động lớn đến người dân. Do vậy, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như việc quản lý và sử dụng dữ liệu thu thập được vào mục đích gì.
Thực tế, dù chưa quy định, nhiều ô tô cá nhân hiện nay đã lắp camera hành trình để theo dõi, ghi lại hình ảnh xe (phía trước, sau) trong quá trình vận hành và ngay cả khi đang đỗ. Tuy vậy, đây hầu hết là camera quay ra bên ngoài, tức quan sát đường giao thông, không phải quan sát trong cabin (trong khi đó đề xuất của Bộ Công an là phải lắp thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe - tức camera hành trình ghi hình cabin).
Bên cạnh đó, từ trước đến nay dữ liệu do camera hành trình ghi lại là cơ sở để chủ xe giải quyết các tranh chấp liên quan đến pháp lý, bảo hiểm nếu xảy ra va chạm. Tuy nhiên, dữ liệu này thuộc sở hữu cá nhân và chủ xe không có trách nhiệm phải chia sẻ cho người khác (nếu theo đề xuất mới thì có thể dữ liệu camera sẽ được truyền về 1 đơn vị nhằm quản lý, lưu trữ giống như đối với xe kinh doanh vận tải và như vậy nhiều người cũng đặt dấu hỏi về quyền riêng tư).
Ngoài ra, dự thảo lần 4 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa có thông tin cụ thể về việc nếu phải lắp thiết bị giám sát hành trình và camera cabin thì thông tin, hình ảnh có phải truyền về hệ thống quản lý của cơ quan chức năng hay không? Nếu đơn thuần là lắp đặt và sử dụng cho cá nhân thì chi phí cho camera hành trình là khoản đầu tư một lần, gần như không phát sinh thêm. Trong khi nếu phải chia sẻ dữ liệu hành trình tới cơ quan quản lý thì sẽ tốn phí dữ liệu và quản lý theo tháng, theo năm.
Dữ liệu thu thập được từ camera giám sát trên các phương tiện cá nhân được sử dụng và quản lý như thế nào cũng là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Hiện nay, căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP thì đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Những xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera hành trình gồm: Ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên; Ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo.
Trong khi đó, Điều 15 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về việc quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe như sau: Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải được hợp quy, đảm bảo ghi nhận, truyền dẫn đầy đủ, liên tục về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải chủ quản hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình các thông tin bắt buộc gồm: hành trình, tốc độ, thời gian người lái xe liên tục.Cục CSGT lý giải về đề xuất ô tô cá nhân lắp camera giám sát
Liên quan đến đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, đại diện Cục CSGT cho biết đây vẫn chỉ là đề xuất nằm trong dự thảo luật, chưa chính thức được áp dụng và vẫn cần ý kiến đóng góp của các chuyên gia và của nhân dân, mặc dù vậy, nếu đề xuất được thông qua thì việc lắp camera giám sát cũng không phải là yêu cầu bắt buộc mà chỉ là khuyến khích người dân thực hiện.
Bên cạnh đó, việc lắp camera giám sát hành trình hay các thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe,... cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này mà chỉ yêu cầu người dân cung cấp khi xảy ra các sự cố, sự việc cần tư liệu để chứng minh, làm bằng chứng.
"Trên thực tế, dù đề xuất lắp camera giám sát hành trình chưa được đưa vào luật nhưng nhiều người đã chủ động lắp đặt. Điều này về cơ bản là tốt cho chính chủ xe, giúp họ tự bảo vệ mình trong các tình huống xảy ra sự cố trên đường", vị đại diện Cục CSGT cho biết thêm.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái. Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này là việc bổ sung quy định: Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm cung cấp tài khoản truyền dữ liệu các đơn vị vận tải hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ để truyền dữ liệu; tài khoản đăng nhập vào hệ thống thông tin cho Bộ GTVT, Cục CSGT, Phòng CSGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế, hải quan khi có đề nghị bằng văn bản. Nếu dự thảo được thông qua, tới đây, CSGT cũng sẽ được khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình xe vận tải để phục vụ công tác kiểm tra, so sánh đối chiếu dữ liệu nhằm xác định vi phạm của phương tiện, từ đó, đấu tranh với vi phạm, nhất là những trường hợp có dấu hiệu chây ì, không hợp tác, góp phần củng cố căn cứ, cơ sở để xử phạt. |
Nguồn: [Link nguồn]
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình.