Đề xuất mỗi thị trấn của Thủ đô xây 1 tượng đài

Theo đề xuất của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, mỗi thị trấn của thành phố cần xây dựng 1 tượng đài, kinh phí thực hiện mỗi tượng đài ít nhất từ 20 tỷ trở lên.

Dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 của toàn thành phố cần có 69 tượng đài.

Hiện Hà Nội đã có 34, trong vòng 15 năm tới sẽ xây thêm 35 tượng đài, với trung bình hai tượng đài một năm. Xây dựng 5 tượng đài các vị trí cửa ngõ Thủ đô.

Đề xuất mỗi thị trấn của Thủ đô xây 1 tượng đài - 1

Tượng đài "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" đặt ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm

Trong đó, tượng đài ưu tiên xây dựng mới giai đoạn 1 (2015 - 2020) là 11 tượng đài với tổng số vốn là 550 tỷ đồng, các tượng đài biểu tượng cửa ngõ Thủ đô và một số tượng đài danh nhân huy động 50 % từ nguồn vốn xã hội hóa, kinh phí thực hiện mỗi tượng đài ít nhất từ 20 tỷ trở lên.

Ông Trần Gia Lượng, kiến trúc sư - giám đốc trung tâm kiến trúc quy hoạch Hà Nội (đơn vị lập dự án) cho rằng hiện nay số lượng tượng đài còn thiếu, chưa tương xứng với quy mô phát triển đô thị và xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

“Tượng đài phân bố chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành, huyện ngoại thành còn thiếu vắng. Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất mỗi thị trấn của thành phố nên xây dựng 1 tượng đài”, ông Lượng nói.

Kiến trúc sư này cho hay, các đô thị trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, việc tổ chức không gian công cộng gắn với các tác phẩm điêu khắc có vai trò rất quan trọng. Nhiều quảng trường cùng những tác phẩm điêu khắc đã trở thành biểu tượng của thành phố. Tượng đài và bố cục không gian, kiến trúc cảnh quan xung quanh hài hòa sẽ tạo nên một tổng thể nghệ thuật, tăng giá trị không gian cộng đồng đô thị.

Thêm tượng đài liệu có cần thiết?

KTS Lê Văn Lâm,  Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội đánh giá đề xuất này là “quá phiêu lưu”.  Không nên đặt ra tiêu chí ngày tháng nào phải có bao nhiêu tượng đài, cửa ô nào cũng có tượng đài.

Ông Lâm cho rằng thay vì xây dựng mới ồ ạt tượng đài, điều cần làm là điểu chỉnh di dời tượng đài không hiệu quả, cần đối khuôn viên xung quanh cho hài hòa.

Ví dụ như bức phù điêu “Mùa đông năm 1946” nằm ở vỉa hè chợ Đồng Xuân, chắn lối đi, nằm lọt thỏm giữa khu vực để xe. Hay tượng đài Quang Trung nằm khuất giữa khu nhà cao tầng, xung quanh cần phá bỏ tưởng rào để tạo không gian thoáng đãng để người dân vui chơi, sinh hoạt.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, PCT Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho biết: “Tôi không tán thành việc mỗi khu đô thị phải có ít nhất một tượng đài, mỗi cửa ô phải có một tượng đài. Việc quy hoạch phải có sơ sở pháp lý và thực tiễn để triển khai. Đề án xây dựng tượng đài phải xem xét kỹ, không phải muốn đặt tượng đài ở đâu cũng được mà còn liên quan đến an ninh quốc phòng, đến phong thủy và nhiều yếu tố khác”.

Ông Nghiêm cho biết thêm, từ năm 2003 – 2004, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cũng đã có quy hoạch quảng trường và tượng đài trong nội thành nhưng không thành công. 

Còn theo ông Bùi Chí Công - Công ty Cổ phần ARTGLASS TP Hồ Chí Minh, xây dựng tượng đài cũng phải tính đến sự gắn kết lịch sử, văn hóa vào tượng đài chứ không nên nghĩ đến việc xây bao nhiêu tượng đài theo kiểu bao cấp. Bên cạnh đó, xây nhiều tượng đài kích thước lớn cũng là một sai lầm.

Ông Công cho rằng phải hạn chế việc lấy ngân sách để xây tượng đài. Ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, khi một công ty đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương nào, 2 triệu USD đầu tiên phải trích 1% để đầu tư vào xây dựng tượng đài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN