Đề xuất lương đóng bảo hiểm xã hội cao gần bằng thu nhập thực tế
“Lương tính đóng bảo hiểm xã hội thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lấy ý kiến đưa ra 2 phương án tính tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH.
Phương án 1, giữ theo quy định hiện hành, tức lương tính đóng BHXH gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung xác định mức tiền cụ thể trong hợp đồng.
Phương án 2, tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, trừ tiền thưởng, tiền hỗ trợ không liên quan công việc, chức danh.
Lương tính đóng BHXH có thể điều chỉnh tăng tiệm cận mức thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu theo phương án 1, mức lương làm căn cứ đóng BHXH bằng khoảng 70% thu nhập thực tế của người lao động. Trường hợp sửa đổi theo phương án 2, mức lương tính đóng BHXH sẽ tương đương khoảng 90% thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động.
Về tình hình thực hiện Luật BHXH năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2016-2021, số thu BHXH trên cả nước năm sau cao hơn năm trước, phụ thuộc rất lớn vào căn cứ tiền lương tính đóng BHXH. Kết quả này có được từ số người tham gia BHXH tăng, một phần cũng do tăng lương tối thiểu vùng hằng năm và tăng mức lương cơ sở.
Đặc biệt, khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, căn cứ tiền lương tính đóng BHXH không chỉ có lương còn có phụ cấp lương, các khoản bổ sung được xác định cụ thể, nên tiền đóng BHXH cũng tăng lên. Cụ thể, năm 2016 mới có hơn 13 triệu người tham gia BHXH, tới năm 2021 con số này tăng lên hơn 16,5 triệu người, tương ứng cùng thời gian số thu BHXH tăng từ hơn 14,8 nghìn tỷ đồng lên 30,9 nghìn tỷ đồng.
Thực tế, phản ánh từ các địa phương cho thấy, ở một số doanh nghiệp tồn tại 3 loại thu nhập của người lao động (3 sổ lương), gồm: Lương làm căn cứ đóng BHXH, lương để doanh nghiệp quyết toán thuế, và lương thực trả cho người lao động.
Trong 3 loại lương trên, lương làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất, cơ bản doanh nghiệp chỉ tính theo lương tối thiểu cộng thêm tỷ lệ trả cho lao động qua đào tạo (thêm 7%), và phụ cấp làm việc nặng nhọc độc hại (5-7%).
“Lương tính đóng BHXH thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Cụ thể, năm 2016, lương bình quân đóng BHXH khoảng 4,3 triệu đồng/tháng, tới năm 2021 tăng lên gần 5,7 triệu đồng/tháng. Trong khi lương bình quân người lao động được nhận năm 2016 hơn 5,7 triệu đồng/tháng, năm 2021 hơn 7,8 triệu đồng/tháng (khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH). Từ đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa quy định về căn cứ tiền lương tính đóng BHXH, đảm bảo mức lương này bằng ít nhất 70% tổng thu nhập hằng tháng của người lao động.
Góp ý cho quy định về tiền lương tính đóng BHXH trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, có 8 hiệp hội, ngành hàng đề xuất thay đổi cách tính này trong dự luật. Phương án 1, lương tính đóng BHXH bằng 70% thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động (tính đóng trên đầu ra), thay vì tính trên lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung (tính đóng trên đầu vào, như quy định hiện hành). Giải pháp này sẽ đảm bảo khoa học, phù hợp thực tế, thu nhập nhiều - đóng nhiều và ngược lại.
Phương án 2, các hiệp hội đề xuất, lương tính đóng BHXH dựa trên thu nhập thực tế của người lao động, trừ một số khoản không có tính chất lương (như thưởng). Với phương án này, căn cứ lương tính đóng BHXH bằng khoảng 90% thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động.
“Lựa chọn 1 trong 2 phương án trên sẽ khắc phục được bất cập của tỷ lệ và nền đóng BHXH theo quy định hiện hành. Nguồn thu BHXH không giảm, thu nhập khi đi làm và lương hưu của NLĐ không chênh lệch quá lớn, không còn yếu tố chủ quan (thỏa thuận) nên sẽ cân đối, công bằng giữa các DN hơn quy định hiện hành. Cùng đó, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa có thể nghiên cứu quy định thấp hơn mức 75% tiền lương tính đóng, như quy định của nhiều nước trên thế giới nhưng lương hưu thực lĩnh của người lao động sẽ cao hơn”, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị.
Nếu những đề xuất trên được thông qua, tiền lương tính đóng BHXH sẽ tăng, đi liền với đó là mức đóng thực tế của người lao động và doanh nghiệp sẽ tăng theo.
Theo quy định hiện hành, tiền đóng BHXH được tính trên cơ sở tiền lương. Trong đó, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất người lao động 8%, người sử dụng lao động đóng 14%; quỹ bảo hiểm y tế người lao động đóng 1,5%, đơn vị đóng 1%; quỹ bảo hiểm thất nghiệp người lao động đóng 1%, đơn vị đóng 1%; quỹ ốm đau và thai sản người sử dụng lao động đóng 3%; quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp người sử dụng lao động đóng 0,5%.
Ngoài ra, lương tính đóng BHXH còn được làm cơ sở để đóng các khoản phí công đoàn. Trong đó, người lao động đóng 1% phí công đoàn, người sử dụng lao động đóng 2% trên tiền lương tính đóng BHXH.
Cử tri ở tỉnh Quảng Nam ngày 7-5 thắc mắc về chính sách tiền lương tối thiểu vùng; tình trạng nợ, chiếm dụng BHXH của các doanh nghiệp; thiếu nhà ở, nhà trẻ, tình trạng ngập...
Nguồn: [Link nguồn]