Đề xuất làm đường cao tốc ngầm kết hợp hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch

Sự kiện: Tin nóng

Một hệ thống đường cao tốc và hầm chống ngập được thiết kế làm ngầm dài khoảng 11,65km chạy dọc theo sông Tô Lịch.

Mô hình “2 trong 1” vừa gom nước chống ngập vừa làm cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch

Mô hình “2 trong 1” vừa gom nước chống ngập vừa làm cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch

Ngày 19/2, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT JVE Group cho hay, sau đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch" được Hà Nội xem xét, công ty này tiếp tục có một đề xuất táo bạo hơn.

Cụ thể, đó là đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng “Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch” bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản. Mô hình "2 trong 1" này được cho là sẽ giải quyết triệt để được 2 "vấn nạn" là úng ngập và tắc đường tồn tại nhiều năm qua ở khu vực nội đô Hà Nội.

Hệ thống chống ngập và hầm cao tốc được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc Công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản.

Cao tốc ngầm được thiết kế 2 tầng, ở dưới cùng là hệ thống chống ngập

Cao tốc ngầm được thiết kế 2 tầng, ở dưới cùng là hệ thống chống ngập

Trong đó, hệ thống đường cao tốc ngầm 2 tầng hoạt động hai chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ cửa ngõ cầu Nhật Tân đến đường vành đai 3 trên cao và ngược lại. Đồng thời, hệ thống còn giúp giảm tải lưu lượng xe ô tô lưu thông ở trên các tuyến đường.

Tầng trên bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Vành đai 3 - Võ Chí Công - sân bay Nội Bài. Tầng dưới bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Võ Chí Công - đường Vành Đai 3-Linh Đàm. Mỗi tầng được thiết kế với 3 làn xe, trong đó 2 làn di chuyển chính với tốc độ tối đa cho phép là 80 và 60km/h và 1 làn dừng xe khẩn cấp.

Tuyến đường cao tốc ngầm khi đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của chặng Đường Vành đai 3 trên cao - Võ Chí Công trong giờ cao điểm từ 45 phút xuống còn khoảng 15 phút cũng như góp phần làm giảm lưu lượng ô tô đi trên trục đường, từ đó giảm ùn tắc giao thông so với hiện nay.

Đặc biệt, JVE Group đề xuất không tổ chức thu phí cao tốc ngầm mà người dân sẽ được sử dụng miễn phí khi đi qua đây.

Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ. Khi xảy ra mưa bão, nước trên sông Tô Lịch sẽ tràn qua máng thu dọc sông, sau đó tiếp tục chảy vào 9 giếng thu khổng lồ được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông Tô Lịch.

Mô hình các giếng thu nước và bể điều áp thoát nước từ sông Tô Lịch ra sông Nhuệ

Mô hình các giếng thu nước và bể điều áp thoát nước từ sông Tô Lịch ra sông Nhuệ

Từ đây, nước tiếp tục chảy vào hầm ngầm thoát nước, cuối cùng chảy về bể điều áp đặt phía cuối hệ thống. Bể điều áp thiết kế với dung tích chứa được hàng triệu m3 nước, đáp ứng được các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm. Nước được tích trữ trong bể điều áp khổng lồ sẽ được tiêu thoát ra sông Nhuệ bằng hệ thống bơm khổng lồ với công suất lên tới 200m3/giây.

Hiện trên thế giới có hầm ngầm chống ngập khổng lồ tại Tokyo (Nhật Bản) chỉ vận hành vào mùa mưa và không kết hợp với cao tốc ngầm; hay Dự án tại Kuala Lumpur (Malaysia) thì tùy vào cường độ mưa bão mà một phần hay toàn bộ hầm cao tốc sẽ không sử dụng mà chuyển sang phục vụ chống ngập.

Hệ thống chống ngập được thiết kế riêng nên không ảnh hưởng đến đường cao tốc ngầm khi có mưa bão

Hệ thống chống ngập được thiết kế riêng nên không ảnh hưởng đến đường cao tốc ngầm khi có mưa bão

Khác với các dự án trên, hầm chống ngập kết hợp đường cao tốc ngầm tại Hà Nội được thiết kế riêng biệt nên vận hành khai thác trong suốt 365 ngày/năm mà không bị ảnh hưởng.

“Việc xây dựng công trình này không chỉ giải quyết được vấn đề hiện tại về úng ngập nội đô mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn không bị ngập úng cho các công trình hạ tầng ngầm hiện đại trong tương lai như hệ thống các tuyến tàu điện ngầm của thành phố”, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch JVE Group chia sẻ.

Hà Nội đề xuất bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch từ cống Liên Mạc

Ban quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư Xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho biết, đơn vị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN