Đề xuất không bỏ lễ hội chọi trâu, chém lợn: Chuyên gia văn hóa nói gì?
Lễ hội chọi trâu, chém lợn những năm qua luôn gây tranh cãi quanh những yếu tố bạo lực, phản cảm khi thực hành nghi lễ. Tuy nhiên các chuyên gia văn hóa có những cắt nghĩa riêng trước đề xuất không bỏ các lễ hội này.
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu, các hiện tượng như chém lợn, chọi trâu trong các lễ hội là những hiện tượng văn hoá mang tính tổng thể, cần được đặt trong thời gian, không gian và với một cộng đồng cụ thể thì mới có thể hiểu một cách thấu đáo được.
“Chính vì thế, khi xem xét các hiện tượng này từ những lăng kính khác của một thời đại khác, cộng đồng khác, quan điểm khác thì chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Có những thứ được cộng đồng xem là có giá trị thì người ngoài cộng đồng lại xem là mê tín dị đoan… Quan điểm của tôi ở đây là, chúng ta cần tôn trọng các chủ thể văn hoá, tức là những người thực hành các nghi lễ liên quan đến các hoạt động này. Không ai có thể làm thay, làm tốt hơn chính các cộng đồng đó trong việc giữ gìn, phát huy sinh hoạt văn hoá của chính họ. Mọi quyết định quản lý cần dựa trên sự tôn trọng quyền văn hoá của cộng đồng đó”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nói.
"Để cộng đồng thực hành tốt các nghi lễ của chính họ, họ cũng vẫn cần có sự hiểu biết đầy đủ để có thể quyết định lựa chọn những gì phù hợp nhất cho mình" - PGS.TS. Bùi Hoài Sơn.
Lễ hội có tính chất bạo lực, phản cảm như chọi trâu và chém lợn từng được đem ra mổ xẻ trong những năm qua. Thậm chí có năm, Bộ VHTTDL có văn bản tạm dừng lễ hội có tính chất bạo lực, thương mại hóa, đồng thời yêu cầu địa phương và cộng đồng hoàn thiện hồ sơ tổ chức lễ hội truyền thống đảm bảo đúng nghi thức truyền thống. Lễ hội cướp phết Hiền Quan là một trong những lễ hội có chuyển biến tích cực sau khi Bộ vào cuộc, đề nghị cộng đồng địa phương phát huy các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại.
Giữ lễ hội chọi trâu truyền thống, tuy nhiên chuyên gia phản đối tiêm chất kích thích cho trâu, đồng thời khuyến nghị BTC đảm bảo an toàn cho người tham gia. Ảnh: NGUYỄN HOÀN
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn phân tích, các hiện tượng này cũng có những thay đổi theo thời gian. Nhiều thực hành văn hoá, vì nhiều lý do, từ nhận thức không đầy đủ đến chạy theo lợi ích kinh tế, đã có những biến tướng, không chỉ không phù hợp với bối cảnh hiện nay, mà còn khác xa với giá trị gốc, ban đầu mà cộng đồng xác định, đề cao.
“Chính vì vậy, để cộng đồng thực hành tốt các nghi lễ của chính họ, họ cũng vẫn cần có sự hiểu biết đầy đủ để có thể quyết định lựa chọn những gì phù hợp nhất cho mình. Nhà nước, các nhà khoa học và những người liên quan khác có thể cung cấp thông tin, giúp đỡ cộng đồng để họ làm tốt nhất sinh hoạt văn hoá của mình. Làm được như thế, chúng ta không chỉ giữ gìn được truyền thống của các cộng đồng, giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc ẩn tàng trong những sinh hoạt đó, mà còn giúp xã hội có một cách tiếp cận, hiểu biết rõ ràng, đầy đủ hơn về những sinh hoạt lễ hội truyền thống, tạo điều kiện cho các lễ hội này góp phần xây dựng và phát triển đất nước”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nêu.
Ngày 7/9, các chuyên gia văn hóa khơi lại câu chuyện về các lễ hội gây tranh cãi như chọi trâu, chém lợn nhân hội thảo “Văn hóa quản lý với di sản văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển”, do Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc tổ chức. PGS.TS. Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đề cập vấn đề quản lý văn hóa đi đôi với thực tiễn. Ông phân tích câu chuyện của lễ hội chém lợn từng bị dư luận phản ứng. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người quản lý văn hóa cần tìm hiểu căn cốt của lễ hội, tập quán văn hóa của cộng đồng. Sau phản ứng của dư luận, cộng đồng địa phương có điều chỉnh về nghi thức “chém kín”, không còn công khai giữa sân đình. Ông Bùi Vũ Duy Quang (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) trong tham luận nêu quan điểm không nên đặt câu hỏi có nên tiếp tục tổ chức lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn nữa hay không. “Vấn đề cần và cấp thiết được hoặc nên đặt ra là, phải có những giải pháp hoặc cách tổ chức, quản lý ứng dụng nào để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa từ lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn”, ông Duy Quang nói. |
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc dù giành chiến thắng trong kháp đấu với trâu chọi số 9, tuy nhiên trâu chọi số 15 bị xử thua do chậm vào sân thi đấu.