Đề xuất đổi tên Lễ hội “chém lợn” thành “rước lợn”
Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh đề nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn.
Ngày 27.1, Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội về nhiều mặt. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Ngày 30.1, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh có công văn gửi UBND TP. Bắc Ninh về việc quản lý Lễ hội Chém lợn.
Sở này cho biết, trong các năm 2013, 2014, việc tổ chức lễ hội làng Ném Thượng đã được điều chỉnh thay đổi. Trong đó, coi trọng việc xây dựng kế hoạch, tổ chức lễ hội theo đúng quy định, đúng nghi thức truyền thống, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, đoàn kết toàn dân.
Điều chỉnh tục “chém lợn” giữa sân đình vào một khu vực dành riêng để làm cỗ ngọc tế thánh; hạn chế người dân dùng tiền nhúng vào máu lợn...
Sau phần tế, rước thì làm cỗ ngọc tế thánh (không thực hiện nghi lễ chém lợn)
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc Tổ chức động vật Châu Á phản ánh tục “chém lợn” gây bức xúc dư luận.
Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND Thành phố Bắc Ninh chỉ đạo lễ hội năm 2015 thực hiện tốt việc tế, rước, lễ theo nghi thức truyền thống. Sau phần tế, rước thì làm cỗ ngọc tế thánh (không thực hiện nghi lễ chém lợn).
Không để tình trạng người dân sử dụng tiền nhúng vào máu lợn. Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn.
Trao đổi với phóng viên chiều 5/2, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, trước nhiều ý kiến trái chiều, Lễ hội có thể cải tiến dần, giảm bớt hình ảnh người ngoài cho là phản cảm. Trong đó có nghi lễ “chém lợn” (dùng đao chém đứt đôi con lợn – PV).
Ông nhấn mạnh, lễ hội này chỉ bỏ phần “chém lợn”, còn các nghi lễ khác như tế, lễ, rước, chia lộc... vẫn diễn ra như nghi thức truyền thống. Cụ thể, sau lễ tế, rước sẽ chuyển sang “thịt lợn” chia lộc cho cho bà con trong làng, thay vì “chém lợn” như trước đây.