Đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành Hữu nghị Việt - Nhật
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Hiroshi Fukad, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã đã đề xuất lấy tên cầu Nhật Tân là cầu Hữu nghị Việt - Nhật.
Chiều ngày 25/8, lãnh đạo Bộ GTVT đã có buổi làm việc với ông Hiroshi Fukada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam về việc tổ chức và nhà ga T2 – Nội Bài.
Tại đây, ông Hiroshi Fukada cho hay, cầu Nhật Tân là biểu tượng của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, bởi vậy lễ thông xe cây cầu này là một sự kiện đặc biệt quan trọng. Đại sứ Nhật Bản mong muốn Bộ GTVT Việt Nam sắp xếp thời điểm khánh thành thích hợp để Bộ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản - Akihiro Ota có thể tham dự sự kiện này.
Đặc biệt, ông Hiroshi Fukada đã đề xuất với Bộ trưởng Đinh La Thăng lấy tên cầu Nhật Tân là cầu Hữu nghị Việt - Nhật nhằm đánh dấu một bước tiến mới trong tình hữu nghị giữa hai nước.
Trước ý kiến của ngài Đại sứ Nhật Bản, Bộ trưởng Thăng đã chỉ đạo Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) làm các thủ tục cần thiết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đặt tên cây cầu trên theo đề xuất của Đại sứ Nhật Bản.
Cây cầu Nhật Tân dự kiến được thông xe vào 1/2015. Ảnh: Giaothongvantai.com.vn
Cũng tại cuộc họp, đối với Ban quản lý dự án 85 (đại diện chủ đầu tư hai dự án cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài), Bộ trưởng Thăng yêu cầu phải lựa chọn và sớm hoàn thành biểu tượng của cầu Nhật Tân. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu cần nhanh chóng triển khai xây dựng cầu vượt tại nút giao Phú Thượng và các hạng mục liên quan tại nút giao này.
Sau khi thảo luận và trao đổi ý kiến, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Đại sứ Nhật Bản đi đến thống nhất tổ chức cùng thời điểm khánh thành hai dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài và dự án nhà ga quốc tế T2 - Nội Bài trong tháng 1/2015.
Cầu Nhật Tân là cây cầu đang được xây dựng bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội bắt đầu tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đến điểm cuối giao với quốc lộ 3 tại km 7+100, xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng Cầu sẽ được khởi công ngay sau khi hoàn thành cầu Thanh Trì và hoàn thành nhân kỷ niệm Thăng Long-Hà Nội 1000 năm. Theo dự án, cầu được kết cấu kiểu dây văng liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực với 5 trụ tháp, thi công bằng phương án đúng hẫng cân bằng. Mặt cầu rộng 33,2m chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải xe hỗn hợp, phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ. Cầu dài 3,9 km và có đường dẫn 4,5 km, trong đó phần chính của cầu qua sông dài 1,5 km. Tổng mức đầu tư dự định cho cầu từ 7500 tỷ đến 8000 tỷ đồng tùy theo số lượng cột phải thi công. |