Đề xuất đầu tư nghìn tỷ phát hiện vật thể lạ ở sân bay

Sự kiện: Thời sự

Cục Hàng không Việt Nam vừa chính thức có văn bản đề xuất Bộ GTVT đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ...

Đề xuất đầu tư nghìn tỷ phát hiện vật thể lạ ở sân bay - 1

Máy bay Vietjet bị chim va lõm đầu

Cục Hàng không VN vừa chính thức có văn bản đề xuất Bộ GTVT đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Vật thể lạ, chim bay có thể gây tai nạn thảm khốc

Thống kê của Cục Hàng không VN, từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra 19 sự cố tàu bay bị cắt lốp, 20 sự cố chim va vào tàu bay làm ảnh hưởng lớn đến an toàn bay. “Với mỗi chuyến bay, giai đoạn hạ, cất cánh là quan trọng nhất, việc đảm bảo an toàn trong giai đoạn này luôn phải đặc biệt quan tâm”, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh nói và cho biết thêm, khi tàu bay cất, hạ cánh phải chuyển động với vận tốc cao, lực ma sát lớn. Quá trình này, tàu bay va vào các vật thể lạ dù rất nhỏ như: Ốc vít, thanh sắt, mảnh vỡ, chim trời… (gọi chung là FOD - Foreign Object Debris) đều rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn thảm khốc.

Hồi tháng 7/2016, ACV cũng đã trình Bộ GTVT xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án lắp đặt các hệ thống FODetect giám sát đường hạ, cất cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất trị giá 1.162 tỷ đồng. Để hoàn vốn dự án, ACV cho biết, sẽ thu phí 35 USD đối với các chuyến bay quốc tế và 17 USD đối với các chuyến bay nội địa trên toàn bộ Cảng hàng không ACV đang khai thác trong thời gian 6 năm 6 tháng.

Thực tế, lịch sử ngành Hàng không đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn thảm khốc do tàu bay cất, hạ cánh gặp phải vật cản như chim hoặc các mảnh vỡ rơi vãi trên đường hạ, cất cánh. Tuy nhiên, hiện nay, tại các CHK của Việt Nam, việc giám sát, kiểm tra hệ thống đường băng lại được thực hiện thủ công, chủ yếu bằng mắt thường, mất nhiều thời gian, không thể kiểm tra liên tục. Mỗi lần kiểm tra đều phải dừng hoạt động bay. Điều này gây khó khăn, gián đoạn hoạt động bay ở các sân bay có tần suất hoạt động cao như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

Theo ông Thanh, đề xuất đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ, cất cánh tại CHK quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất của Cục Hàng không VN lần này không ngoài mục tiêu tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với toạ độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và tàu bay.

“Hệ thống cũng giúp hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập”, ông Thanh nói và cho biết, yêu cầu về kỹ thuật của hệ thống là đáp ứng tiêu chuẩn thiết bị phát hiện vật ngoại lai tại sân bay do Cục Hàng không Liên bang Mỹ ban hành.

Được biết, tổng mức đầu tư hệ thống tại Nội Bài là hơn 486 tỷ đồng và Tân Sơn Nhất là gần 510 tỷ đồng. “Đây là hệ thống thiết bị công nghệ mới, lần đầu áp dụng ở VN nên việc khái toán tổng mức đầu tư trong bước lập Đề xuất dự án chủ yếu dựa trên cơ sở tham khảo báo giá của các nhà đầu tư quan tâm. Khi triển khai các bước tiếp theo (lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế dự toán), tổng mức đầu tư và dự toán sẽ được tư vấn tính toán chi tiết hơn và được thẩm tra, thẩm định theo quy định”, ông Thanh cho biết.

Đề xuất đầu tư nghìn tỷ phát hiện vật thể lạ ở sân bay - 2

Máy bay của Vietnam Airlines bay tuyến Đà Nẵng - Hà Nội phải hạ cánh khẩn cấp tháng 1/2016 vì lốp có vết cắt

Đề xuất 3 phương án đầu tư

Trong đề xuất gửi Bộ GTVT lần này, Cục Hàng không VN cũng đề xuất 3 phương án đầu tư. Theo đó, phương án 1, sẽ do Nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Phương án 2, do người khai thác cảng (TCT Cảng Hàng không VN - ACV) làm chủ đầu tư và phương án 3 là thực hiện xã hội hoá theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong đó, phương án 1 được Cục Hàng không VN đánh giá là không khả thi do nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Với phương án 2, Bộ GTVT giao ACV làm chủ đầu tư dự án, quản lý, khai thác, bảo trì công trình sau khi hoàn thành. ACV cũng chịu trách nhiệm tính toán, cân đối nguồn tiền để tiến hành đầu tư ban đầu và hoàn vốn. Phương án này có nhiều ưu điểm như: Chủ động về nguồn vốn, thời gian triển khai nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp bách, đồng thời đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng, quản lý khai thác khu bay, điều phối hoạt động đảm bảo an toàn đường hạ, cất cánh, an ninh hàng không tại khu bay.

Với phương án 3, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT sẽ ký hợp đồng dự án với thực hiện với các quyền, nghĩa vụ trên cơ sở thoả thuận với nhà đầu tư. Theo đó, sau khi hoàn tất việc lắp đặt hệ thống, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan này lại giao cho người khai thác CHK, sân bay quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống.

Về phương án hoàn vốn, người khai thác phải trả tiền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hàng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư. Mức kinh phí này được xác định dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm). “Ưu điểm của phương án này là hiện đang có một số nhà đầu tư quan tâm, có nguồn vốn, sẵn sàng tham gia song hạn chế là phát sinh thêm nhiều thủ tục đầu tư phức tạp”, ông Thanh cho biết.

Đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Cục Hàng không VN đã kiến nghị ưu tiên phương án 2, nếu không được thì thực hiện phương án 3. Dự kiến, nếu được Bộ GTVT đồng ý, nhà đầu tư sẽ có 7 tháng (từ tháng 11/2016 - 6/2017) để chuẩn bị đầu tư. Việc triển khai thi công sẽ thực hiện từ tháng 7-12/2017 và bắt đầu khai thác từ năm 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Bình (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN