Đề xuất đáng chú ý về nhà ở xã hội tại TP HCM
Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM đề xuất chủ đầu tư có nhiều dự án đang triển khai trên cùng quận, huyện thì cho phép được hoán đổi diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội tập trung vào một dự án.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TP HCM vừa gửi công văn đến UBND TP HCM về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
TP HCM dự kiến phát triển 35.000 căn hộ NƠXH trong giai đoạn 2021-2025 (ảnh minh họa).
Dẫn chứng các quy định pháp luật về phát triển và quản lý NƠXH, Sở QH-KT nhận định: Trong cùng một dự án nhà ở tồn tại hai loại hình NƠXH và nhà ở thương mại gây khó khăn cho chủ đầu tư trong công tác kinh doanh, vận hành và khai thác, đặc biệt đối với một khu dân cư cao cấp có xen cài khu NƠXH. Ngoài ra, việc phục vụ cho 2 đối tượng có trình độ văn hóa, thu nhập kinh tế, sinh hoạt, nhu cầu, tiện ích... khác nhau dẫn tới có mâu thuẫn trong việc phục vụ, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, NƠXH để người dân có thu nhập thấp hoặc trung bình có thể tiếp cận với giá thành rẻ, chất lượng xây dựng tương đối, không cần cầu kỳ về thẩm mỹ hình khối kiến trúc... sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan toàn khu dự án.
Cũng theo Sở QH-KT, Nghị định 188/2013 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội quy định "dự án phát triển NƠXH được Nhà nước hỗ trợ từ nguồn ngân sách toàn bộ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước)".
Tuy nhiên, các tiêu chí ưu tiên đối với các dự án phát triển NƠXH quy định tại Nghị định số 100/2015 (thay thế Nghị định 188) không quy định hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách toàn bộ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn các quận, huyện còn hạn chế, thiếu đồng bộ nên không thu hút được các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội.
Từ đó, Sở QH-KT đề xuất: Một chủ đầu tư có nhiều dự án đang được triển khai trên cùng một quận, huyện thì cho phép chủ đầu tư được hoán đổi diện tích đất để xây dựng NƠXH tập trung vào một dự án nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư kinh doanh, khai thác và vận hành được thuận lợi. Đồng thời, cần có các quy định, giải pháp khác về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích đầu tư vào dự án NƠXH phục vụ cho công nhân, đối tượng thu nhập thấp.
Dành 20% diện tích đất làm NƠXH
Theo quy định hiện hành, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I, hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng NƠXH.
Theo Sở Xây dựng TP, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án NƠXH với tổng diện tích gần 25 ha (gần 1,2 triệu m2 sàn xây dựng), quy mô gần 15.000 căn hộ (đạt gần 75% kế hoạch). Trong khi đó, giai đoạn này thành phố chỉ đưa vào sử dụng 1 dự án nhà lưu trú công nhân, quy mô 756 phòng, đáp ứng 4.600 chỗ ở (đạt 13% kế hoạch).
Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn xây dựng NƠXH, tương đương 35.000 căn hộ (bao gồm cả nhà lưu trú công nhân và ký túc xá sinh viên).
Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - “kỳ quan mới” của Quảng Ninh không chỉ giảm áp lực tuyến QL18A mà còn tạo ra cơ hội lớn cho 2 thành phố này.
Nguồn: [Link nguồn]