Đề xuất cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại VN

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, nếu pháp luật không công nhận người chuyển giới thì hệ lụy của vấn đề này rất lớn

Nỗi đau của người chuyển giới

Tại Hội thảo Góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) ngày 14.4, ông Nguyễn Khắc Tùng, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam, mang đến hội thảo một câu chuyện đau lòng về người chuyển giới.

Một nam thanh niên ở miền Tây Nam Bộ, từ nhỏ đã có những cử chỉ, lời nói, ăn mặc giống con gái. Vì bị gia đình kỳ thị, bạn bè trong trường xa lánh nên bỏ nhà đi theo đoàn hát cho những đám ma, hội chợ.

Cậu có mơ ước trở thành con gái, tuy nhiên mơ ước phải dừng lại ở tuổi 16 khi trong quá trình sử dụng hóc môn để có những đường cong nữ tính cậu đã bị sốc thuốc.

May mắn hơn người thanh niên này, Jessica (sinh năm 1983) tên thật là Nguyễn Hữu Toàn. Hiện cô đang là một phụ nữ rất xinh đẹp với đôi môi hồng thắm, hàng mi cong vút, che rợp đôi mắt đen láy.

Đề xuất cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại VN - 1

Jessica chia sẻ tại hội thảo

Jessica chia sẻ, đã từng phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ ở Thái Lan cách đây 5 năm. Nỗi đau của cô cũng là nỗi đau của hàng nghìn người chuyển giới khác, khi đang sống một cuộc đời “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Nhưng giờ đây, Jessica đang cảm thấy rất tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình.

“Được như hiện nay, tôi đã phải chấp nhận đau đớn, không dám nói với gia đình vì sợ mọi người ngăn cản. Khi nằm trên bàn mổ, tôi chỉ có một điều ước là được trở thành nữ giới.” Jessica tâm sự.

Hiện, sức khỏe của Jessica ổn định và đều đặn hàng tuần chị đều phải tiêm bổ sung hóc môn và tiêm silicon.

Jessica cho biết, sau khi chuyển giới, chị đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, như khi đi máy bay, khi giao dịch ngân hàng, khám nghĩa vụ quân sự… Vì giấy tờ giới tính là nam, nhưng bề ngoài là nữ, nên chị phải giải thích rất nhiều mới được chấp nhận.

“Tôi xin được những người trong xã hội chấp nhận, có một Luật, một lối mở cho những người như chúng tôi”.

Trường hợp khác, anh Hải Minh, chuyển giới từ nữ sang nam cách đây 2 tháng, cũng cho biết, anh đã vỡ òa cảm xúc khi được phẫu thuật chuyển giới. Anh may mắn hơn những người khác là được gia đình đồng ý và có một công việc ổn định. Hiện, tại sức khỏe của anh rất tốt.

“Mong muốn lớn nhất hiện nay của tôi là có cơ sở y tế về chăm sóc và tư vấn cho những người chuyển giới, để chúng tôi được tiếp cận với những kiến thức cơ bản nhất về chuyển giới, nhằm hạn chế những người theo phong trào muốn chuyển giới làm ảnh hướng tới những người có mong muốn thực sự như chúng tôi.” Anh Hải Minh chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia y tế, mặc dù chưa có khảo sát về nhu cầu chuyển đổi giới tính ở nước ta, nhưng từ thực tiễn cho thấy, nhiều người đã chấp nhận các nguy cơ về sức khỏe như: đau đớn, giảm tuổi thọ (đến 20 năm), mất khả năng sinh sản…để được chuyển giới, được sống với chính mình.

Đặc biệt, ở nước ta, do chưa được pháp luật cho phép nên chưa có cơ sở y tế y tế nào tổ chức chăm sóc và tư vấn cho những người chuyển giới. Vì vậy, các yếu tố nguy cơ càng dễ xảy ra, gây ảnh hướng lớn tới cộng đồng

Không công nhận, tiếp tay cho phẫu thuật chui

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) phân tích, đối với người mong muốn được chuyển giới, họ không được sống với giới tính thật của mình và không được sống với giới tính mà mình mong muốn. Như vậy, vô tình, chúng ta đã gây tổn thương về mặt tâm lý, tạo điều kiện cho việc sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Người này như người chưa được thừa nhận về mặt xã hội.

Đề xuất cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại VN - 2

TS Nguyễn Huy Quang

Hơn nữa, nếu luật pháp không cho phép, những người mong muốn chuyển giới sẽ ra nước ngoài chuyển giới, gây tốn kém và rủi ro rất cao do họ không có thông tin nên thực hiện chuyển giới ở các cơ sở phẫu thuật chui.

Ngoài ra, giấy tờ nhân thân của người khi chuyển giới về Việt Nam không được thừa nhận. Như vậy, hiện nay có khoảng gần 1.000 người không nằm trong sự quản lý về mặt hộ tịch.

PGS. TS Trần Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Nhi Việt Nam, một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật cơ quan sinh dục cho biết, về mặt y học và kỹ thuật hiện nay, nước ta hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc chuyển giới, tuy nhiên về mặt pháp luật thì chưa cho phép.

“Đã có rất nhiều người đến hỏi tôi để phẫu thuật nhưng tôi từ chối, không dám mổ vì nếu thực hiện là sai quy định của pháp luật. Kể cả có nhiều tiền đến mấy cũng không ai dám làm, vì làm là bị đi tù ngay.” PGS.TS Trần Bích Ngọc chia sẻ.

Tuy nhiên, PGS Trần Bích Ngọc cũng cho biết, hiện chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý và khoa học về vấn đề này, vì vậy, đã đến lúc cần phải quy định vấn đề này trong Luật và cần nhìn nhận lại tại sao nước ngoài họ làm và nếu chúng ta làm thì làm đến đâu cho đúng.

PGS Trần Ngọc Bích cũng cho biết, khi được pháp luật thừa nhận, những ai được thực hiện, thực hiện như thế nào và giải quyết trường hợp những người đã đi nước ngoài để chuyển giới thì cần phải có Nghị định riêng về nội dung này.

Cả nước ta hiện có gần 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, tức là giới tính nam nhưng trong suy nghĩ của họ là nữ và ngược lại. Khoảng 500-1000 người đã ra nước ngoài để chuyển giới.

Những con số này theo nghiên cứu của Viện sức khỏe môi trường y tế (Bộ Y tế), cho thấy, nhu cầu chuyển giới ở nước ta đang tăng, trong khi việc chuyển giới vẫn chưa được pháp luật thừa nhận.

Tiếp tục đề xuất đưa quyền được chết “êm ái” vào Luật

Cũng tại Hội thảo Góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) ngày 14.4, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng, Việt Nam đã có quy định về quyền sống vì thế cũng nên quy định về quyền chết.

Ông Quang phân tích, lâu nay mọi người quan niệm chết phải theo quy luật tự nhiên, nghĩa là không còn khả năng để sống được nữa (các chỉ số sinh tồn không còn), nhưng cũng có trường hợp chết  vật vã (ung thư giai đoạn cuối, họ bị khủng hoảng về sức khỏe và tinh thần) người ta rất mong muốn được chết. Vì vậy, cái chết ở đây phải được can thiệp của cơ quan chuyên môn.

“Cái chết êm ái” là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tranh cãi rất gay gắt. Tuy nhiên, đã có một số nước công nhận “quyền được chết” của công dân với nhiều tên gọi như “cái chết êm ái”, an tử, trợ tử… hoặc ban hành đạo luật riêng như Luật Chết, Luật Điều trị vô ích.

Hiện nay, các nước phát triển như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Argentina, Hàn Quốc... Một số nước khác lại cho phép hỗ trợ một số hoạt động tự tử như Anh, Thụy Sĩ. Việc thực hiện “cái chết êm ái” này phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ và có kết luận của hội đồng y khoa.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, ở một số quốc gia trên thế giới có quy định về quyền được chết như vậy thì chúng ta cũng nên xem xét đưa quyền đó vào luật. Nếu làm được, những người có nhucầu khi chết được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không phải ra đi trong đớn đau, khủng khoảng sang chấn về tinh thần.

Theo ông Quang, quan điểm của ngành y là cứu người bệnh đến hơi thở cuối cùng, còn nước còn tát nhưng những người đó cũng chỉ sống thêm được vài ba ngày nhưng họ sống trong đau đớn, khủng hoảng …

“Nếu pháp luật cho phép được thực hiện trong những trường hợp như vậy thì thực tế tôi cho đây cũng là y đức. Giúp người bệnh trở về thế giới bên kia trong thanh thản, nhẹ nhàng, mà không có sự mâu thuẫn trong lời thề Hypocrat”, ông Quang nói.

Hiện một số quốc gia quy định những bệnh gì, chỉ số sinh tồn. Trên cơ sở đó có hội đồng y khoa với các nhà chuyên môn y tế sẽ xem xét có nên cho chết nhân đạo hay không.

Một bác sĩ (giấu tên) thuộc Bệnh viện K Trung ương cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải trải qua những ngày tháng cuối đời vô cùng đau đớn.

Họ chỉ bám chân xin bác sĩ cho được chết, mà các bác sĩ không dám hay không có cách nào giúp họ. Đó là chưa kể những người nghèo phải xin về quê đợi chết, không có tiền mua thuốc giảm đau nên con đường đến cái chết của họ thực sự đau đớn, ám ảnh.

“Lúc đó, nếu như có cái chết êm ái thì có lẽ sẽ an ủi họ phần nào”- bác sĩ cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN