Đề xuất chi tối đa 50 triệu đồng mua một tin phòng chống tham nhũng

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ Tài chính đề xuất Ban chỉ đạo Trung ương quyết định mức chi cụ thể khi mua tin phòng chống tham nhũng, tối đa 50 triệu đồng một tin.

Nội dung trên nêu tại dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp.

Theo dự thảo, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương quyết mức chi cụ thể dựa vào nội dung, tính chất của tin được cung cấp. Song, mức này không vượt 50 triệu đồng cho một tin. Việc quản lý, sử dụng chi phí mua tin theo chế độ mật.

Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn khác theo quy định.

Thông tin phục vụ phòng, chống tham nhũng là những tin phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng. Các thông tin này có thể bằng lời, văn bản, ghi âm hoặc các hình thức khác, nhưng phải đảm bảo độ chính xác, tin cậy và có đủ chứng cứ để kiểm tra, xác minh.

Trước đó, một số địa phương đều quy định về mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Chẳng hạn, năm ngoái, TP HCM quy định mức chi phí tối đa là 10 triệu đồng một tin báo. Tại họp báo hồi tháng 11/2023, ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng ban Nội chính thành ủy TPHCM cho biết, mức chi trên thực hiện theo hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng về chế độ mật phí với Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy và công văn của Ban Nội chính Trung ương về mua tin phục vụ phòng, chống tham nhũng.

Ông cũng cho rằng chưa có thước đo cụ thể xác định số tiền này nhiều hay ít hoặc đáp ứng mong muốn của người cấp tin hay không, song việc cung cấp tin này nhằm xây dựng, phòng chống tham nhũng. Vì thế, mức chi trả chỉ là hình thức khuyến khích.

Hồi năm 2014, tỉnh Yên Bái từng có quy định tương tự, với mức chi 500.000 - 10 triệu đồng cho một tin báo phòng, chống tham nhũng.

Ngoài chi cho việc mua tin, ngân sách hoạt động của Ban chỉ đạo còn dùng cho phụ cấp trách nhiệm thành viên Ban chỉ đạo, thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, mua sách báo, tài liệu, hội nghị, tiếp khách, tập huấn.

Các khoản khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm hoặc đột xuất sẽ được chi theo Luật Thi đua khen thưởng.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất đưa 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các cơ quan, địa phương liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và một số cơ quan, địa phương liên quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN