Đề xuất chặt 1.300 cây xanh: “Muốn giữ cây thì phải nắn đường”

Sự kiện: Thời sự

Các chuyên gia cho rằng, rất khó để hòa hợp được giữa việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và giữ lại cây xanh.

Đề xuất chặt 1.300 cây xanh: “Muốn giữ cây thì phải nắn đường” - 1

Hàng cây xanh mướt hơn 1.300 cây dọc đường Phạm Văn Đồng được đề xuất chặt hạ, di dời để làm đường vành đai 3 trên cao.

Mới đây, chủ đầu tư dự án đường vành đai 3 đoạn qua đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã đề xuất chặt hạ, cắt tỉa và di dời tổng số 1.315 cây. Trong đó giữ nguyên vị trí 142 cây; dịch chuyển 158 cây; 1.015 cây xanh phải giải tỏa, chặt hạ.

Đặc biệt, ở dự án mở đường Phạm Văn Đồng có 986 cây xà cừ chiếm 90% cây phải chuyển đi. Trong đó có 10% cây xà cừ độ tuổi từ 50-60 năm, đường kính thân từ 60 cm-1,2m; 90% cây được trồng 1985 đến nay (khoảng 30 tuổi), có đường kính 40-50 thuộc nhóm ưu tiên đánh chuyển.

Sự việc đang gây xôn xao dư luận và gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, tuyến đường Phạm Văn Đồng là tuyến đường huyết mạch nối nội đô đi cầu Thăng Long. Tuyến đường này thường xuyên ùn tắc vì thế dự án cần gấp rút hoàn thiện.

Tuy nhiên, hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng đã gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội. Hàng cây có giá trị lớn trong việc tạo cảnh quan, điều hòa sinh thái… nhất là trong những ngày hè nắng nóng.

Đề xuất chặt 1.300 cây xanh: “Muốn giữ cây thì phải nắn đường” - 2

Những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi nếu bị chặt bỏ sẽ khiến nhiều người tiếc nuối.

Liên quan đến vụ việc, chiều 8/6, TS Đặng Văn Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất (Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, khó mà hòa hợp được giữa việc mở rộng đường và giữ cây xanh.

“Phương án quy hoạch đã vẽ rồi, bây giờ muốn giữ cây thì phải nắn đường, thay đổi quy hoạch và sẽ phải đền bù rất tốn kém. Chặt cây thì tiếc thật nhưng quyết tâm mở đường thì vẫn phải chặt”, ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, chi phí để di dời, vận chuyển một cây có tuổi đời vài chục năm về vườn ươm khá tốn kém, có khi mất cả chục triệu đồng. Hơn nữa, những cây này sau đó có đưa ra trồng lại cũng khó phát triển.

“Những cây lâu năm trồng lại cũng không ra gì vì rễ đã bị chặt bỏ, đường kính lớn nên khả năng phát triển kém. Với số tiền bỏ ra để chặt cây, vận chuyển và ươm cây thì thay bằng cây khác sẽ tốt hơn và đảm bảo về lâu dài”, ông Hà phân tích.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, dự án làm đường là cần thiết nhưng cần phải lên phương án cụ thể. Giai đoạn nào, dự án vướng cây cần chặt thì chặt còn không vướng thì tỉa cành.

“Giữ được bao nhiêu cây thì giữ nhưng tiêu chí phải là càng nhiều càng tốt. Đừng mượn dự án để chặt hết cây, đó là điều quá đáng tiếc khi mà diện tích phủ xanh ở Hà Nội còn quá ít so với các đô thị trên thế giới do quy hoạch sai”, ông Hùng nói.

Đối với những cây có thể di dời được, ông Hùng cho rằng: “Cây nào di chuyển được thì di chuyển sang những nơi có quỹ đất rộng hơn để trồng lại. Công nghệ chuyển cây không khó nên cần giữ lại bởi, trồng bao năm mới được hàng cây như thế”.

Xót xa cảnh cả trăm cây xanh trơ gốc sau “cơn lốc” vỉa hè

Những cây xum xuê hàng chục năm tuổi bị chặt cụt gốc vì “lấn chiếm” vỉa hè, đất công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN