Đề xuất cầu Long Biên thành cầu quay sông Hàn

Một số chuyên gia cho rằng, có thể biến cầu Long Biên thành cầu quay như cầu sông Hàn, nhưng nhất thiết phải giữ nguyên vị trí cũ để bảo tồn.

Biến thành cầu quay cho tàu đi qua

Trước một số ý kiến cho rằng, cầu Long Biên quá thấp, cản trở giao thông đường thủy, tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long cho rằng, có thể khắc phục khó khăn này bằng việc biến nó thành cầu quay như cầu sông Hàn ở Đà Nẵng. Nhưng nhất thiết, cầu phải được bảo tồn tại vị trí cũ.

Tại hội thảo hôm nay (25/2) do Đại học Phương Đông tổ chức, tiến sĩ Long bày tỏ sự khó hiểu, tại sao đến bây giờ, cầu Long Biên vẫn chưa được xếp hạng di sản văn hóa. Ông cho rằng, cần công nhận cây cầu này là di sản văn hóa cấp quốc gia, thậm chí cấp quốc tế.

Ông Long cho rằng, nhiều người nói cầu Long Biên thấp, tàu thủy không chui qua được. Nhưng thực ra, vấn đề này có thể giải quyết được. Chẳng qua là các nhà quản lý không muốn làm.

"Đà Nẵng, Hải Phòng đều có cầu quay. Tại sao cầu Long Biên không thể quay?" - Nhà nghiên cứu Sử học nói.

Đề xuất cầu Long Biên thành cầu quay sông Hàn - 1

Cầu Long Biên

Vị tiến sĩ cho rằng, không thể bê cầu Long Biên đi chỗ khác để bảo tồn. Như vậy, chẳng khác nào lấy một chiếc bình cổ đập vỡ đi rồi gắn lại.

"Tôi phản đối việc phá dỡ cầu sang chỗ khác để bảo tồn!" - TS. Long nhấn mạnh.

GS. TS Nguyễn Tài (Khoa Kiến trúc - Đại học Phương Đông) cũng cho rằng, hoàn toàn có thể bảo tồn cầu Long Biên tại vị trí cũ. Việc làm cho cầu Long Biên trở thành cầu quay không phải là vấn đề quá ghê gớm. Các nhà đầu tư chỉ thay hoặc chế tạo mới những phần nào của cầu đã hỏng và thực sự cần thiết phải thay.

Còn giao thông trên cầu, trọng tải nặng đi cầu Thăng Long, nhẹ qua cầu Long Biên. "Bảo tồn là phải giữ nguyên tại chỗ." - GS. Tài nói.

Sánh ngang tháp Eiffel

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục (Trưởng ngành Kiến trúc Phương Đông) cho rằng, cầu Long Biên là biểu tượng của kỹ thuật công nghệ những năm đầu thế kỷ XX và là sự khởi động của những yếu tố đô thị hiện đại. Cầu Long Biên không những mang nét đặc sắc của Hà Nội còn lưu thông huyết mạch cho nền kinh tế phi nhà nước. Đó là đường thông thương chủ yếu của những người dân cần lao, nông dân, tiểu thương.

Cầu Long Biên là biểu tượng của sự trường tồn, vẻ đẹp và các giá trị lịch sử của quá khứ cũng như hiện tại. Không cần phải đặt cho nó quá nhiều sức ép về vận tải.

Vị tiến sỹ đánh giá, nhiều người sững sờ khi Bộ GTVT đề xuất đè lên tim cầu 3 phương án thay thế. Hầu như các phương án đó đều không đủ tầm nhìn phát triển.

Đề xuất cầu Long Biên thành cầu quay sông Hàn - 2

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục (Trưởng ngành Kiến trúc Phương Đông)

Cần ứng xử trân trọng, hài hòa giữa di sản quá khứ với sự phát triển của đô thị đương đại. Di sản đô thị nếu được quản lý phù hợp sẽ không cản trở mà còn góp phần phát triển kinh tế đô thị. Gìn giữ cầu Long Biên tạo nên “hồn cốt” cho Hà Nội.

PGS.TS. Tôn Thất Đại lại cho rằng, cầu Long Biên là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới. Nó có thể sánh ngang với tháp Eiffel của Pháp. Thậm chí, vị phó giáo sư còn cho rằng, cầu Long Biên có thể là một trong những ý tưởng thiết kế của kỹ sư kết cấu Eiffel. Vì vậy, ông Đại cho rằng phải giữ nguyên kết cấu, tôn tạo cầu Long Biên tại chỗ. Điều đó mới mang lại nhiều giá trị văn hóa lịch sử và du lịch.

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạng, cầu Long Biên là một kỳ công về kỹ thuật xây dựng, kỳ tích về mỹ thuật và là kỳ quan đô thị. Không có cây cầu nào có được diện mạo bề thế và dấu ấn sâu sắc đối với Hà Nội như cầu Long Biên.

Các nhà quản lý phải làm sao để chuyển cầu Long Biên từ giá trị giao thông thành những giá trị văn hóa, lịch sử.

“Hãy biến cầu Long Biên có thể trở thành một con phố để dạo chơi, du ngoạn, để ngắm cảnh, để yêu nhau,...” – GS. Kính nói.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đặt vấn đề, tại sao cầu Long Biên không được công nhận là di sản?

"Tôi cho rằng chúng ta chưa quảng bá hết giá trị của nó." - Ông Nghiêm nói.

TS Đào Ngọc Nghiêm cũng lưu ý rằng, cần xem xét ở các góc độ: Nếu bảo tồn, phải xác định bảo tồn để làm gì? Bảo tồn cùng với lưu thông phương tiện hay chỉ bảo tồn rồi để đó? Bảo tồn và phát huy giá trị của cầu bằng cách nào? Tôi chưa thấy ai nói đến điều đó cả. Phải giải quyết được tất cả vấn đề đó thì việc bảo tồn mới là hiệu quả.

Nói về đề xuất của Bộ GTVT, GS.TS. Nguyễn Việt Châu nêu câu hỏi, tại sao lại có 3 phương án như thế?  Đó là vì họ không nghĩ nó là di sản văn hóa, ứng xử với nó không đúng mực. Vì vậy, phải lập ngay hồ sơ để công nhận cầu Long Biên là di sản quốc gia, di sản thế giới. Từ đó, cầu không chỉ đơn giản để lưu thông phương tiện mà còn là một trong những yếu tố tạo nên hình ảnh tổng thể, cảnh quan đô thị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Tranh cãi việc bảo tồn cầu Long Biên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN