Đề xuất cáp treo vào Tân Sơn Nhất: "Tôi không nói đùa"
Ông Vũ Huy Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Bilco, khẳng định không đùa khi đề xuất làm cáp treo vào sân bay.
Anh Vũ Huy Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Bilco chia sẻ về ý tưởng làm cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Phan Tư
Nhiều người cho rằng đề xuất làm cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là đùa, là ý tưởng ngớ ngẩn. PV Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với người đề xuất ý tưởng này.
Từ đâu mà ông đề xuất làm cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất?
Tôi đọc thông tin trên báo chí, thấy Thành phố sẽ làm tuyến metro từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất với kinh phí lên đến 5.500 tỷ đồng. Tôi gọi điện cho ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, nói là với công năng như thế, công suất vận chuyển như thế nếu làm bằng cáp treo thì kinh phí chỉ bằng 1/10, tức khoảng 500 tỷ, thời gian thi công chỉ 10 tháng.
Cụ thể phương án làm cáp treo là như thế nào?
Đó chỉ là mới ý tưởng thôi chứ tôi chưa có phương án cụ thể. Cục Hàng không cũng có ý định cho hành khách làm thủ tục check-in ở bên ngoài, nếu sử dụng xe buýt vận chuyển vào thì cũng không giải được bài toán ùn tắc. Tôi đề xuất làm cáp treo từ Công viên Hoàng Văn Thụ theo đường Trường Sơn vào sân bay. Ở công viên làm một nhà ga, hành khách sau khi làm thủ tục xong thì lên cabin cáp treo để vào sân bay. Ở dải phân cách giữa đường Trường Sơn làm trụ cáp, tầm cao có thể từ 8m-20m. Như vậy sẽ giảm tải ít nhất một nửa lượng xe lưu thông trên đường.
Các chuyên gia lo ngại vấn đề an toàn, ai dám đi dưới đường khi trên đầu là những cabin cáp treo lơ lửng?
Có thể nhiều người chưa hiểu và chưa có thông tin nhiều về cáp treo nên mới lo ngại. Tôi khẳng định, chưa có vụ tai nạn nào do sự cố đứt cáp treo trên thế giới cả. Các nhà sản xuất họ đảm bảo tính an toàn rất cao, tiêu chuẩn giống ngành hàng không. Ở London (Anh), họ cũng có cáp treo đi giữa đô thị và trở thành điểm nhấn về du lịch của Thành phố.
Có người nói đây là một ý tưởng đùa?
Đây là ý tưởng có tính bộc phát của tôi, nhưng tôi không đùa. Bởi tôi đã tiếp xúc với loại hình này nhiều, tôi hiểu về nó. Thực tế, giao thông của đường Trường Sơn và quanh sân bay hiện nay thì không ai dám đùa cả. Tôi đề xuất ý tưởng, với tâm huyết của một người công dân có trách nhiệm về những vấn đề bức xúc của thành phố hiện nay.
Ông Thắng cho rằng ở Lodon có cáp treo giữa lòng thành phố, đi qua nhà cửa trong đô thị rất đẹp.
Ông thấy tính khả thi về ý tưởng của mình như thế nào, tiền đâu để làm?
Trước hết, tôi khẳng định đây chỉ mới là một ý tưởng. Tôi muốn chia sẽ dưới góc độ kỹ thuật, giải pháp, còn ở góc độ về đô thị về cảnh quan môi trường thì tôi không có chuyên môn và cũng chưa có thời gian nghiên cứu. Nếu về môi trường, thì cáp treo rất thân thiện vì chạy bằng điện và công suất rất nhỏ. Khoảng không gian chiếm chỉ bên trên, chứ không ảnh hưởng dưới. Nếu thiết kế trụ, nhà ga đẹp như cáp treo London thì tôi nghĩ sẽ là một cảnh quan đẹp.
Còn về kinh phí thì tôi nghĩ nhà nước bỏ tiền đầu tư như làm metro, chứ doanh nghiệp đầu tư rồi thu phí thì rất khó.
Có ý kiến cho rằng đề xuất của ông là ngớ ngẩn, không thực tế. Người để xuất chỉ muốn đánh bóng tên tuổi của mình, ông nghĩ thế nào?
Đối với tôi là thực tế, vì tôi làm nhiều cáp treo rồi. Còn về mặt cảnh quan, thói quen đi lại của người dân thì tôi không dám chắc. Tôi khẳng định ý tưởng của tôi là nghiêm túc, trách nhiệm chứ không hề đánh bóng tên tuổi gì.
Ông có ý tưởng làm tuyến cáp treo nào khác ngoài tuyến đi vào sân bay?
Tôi có ý tưởng kéo dài tuyến cáp treo này theo đường Nguyễn Văn Trỗi đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa rồi đến trước Dinh Độc Lập. Đây là một tuyến đường thẳng nên dễ làm. Nếu làm đẹp, thì có thể trở thành điểm nhấn về du lịch như cáp treo London.