Đề xuất bổ sung quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng để thống nhất với quy định của Đảng và các luật có liên quan.

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ. Dự thảo này do Bộ Nội vụ xây dựng với mục tiêu hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.

Theo Bộ Nội vụ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp. Là cơ quan chấp hành của Quốc hội, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Nội dung này đã được thể chế hóa trong Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13, việc thay đổi tư duy trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ phải điều chỉnh cho phù hợp. Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển và tập trung vào quản lý vĩ mô (xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hướng dẫn tổ chức triển khai; thanh tra, kiểm tra, giám sát); đẩy mạnh phân cấp và phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai.

Vai trò của Chính phủ cần được làm rõ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong việc xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, dân chủ. Nguyên tắc chung về phân định thẩm quyền là giao quyền chủ động hơn cho Chính phủ trong việc thực hiện quyền hành pháp, quyết định các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt trong việc chủ động, linh hoạt trong phản ứng chính sách đối với các tình huống cấp bách.

Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo công tác của Chính phủ, không giải quyết công việc cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Trách nhiệm của bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực phải tăng cường theo phân công của Chính phủ.

Bộ Nội vụ đề xuất làm rõ phạm vi trách nhiệm của Thủ tướng trong việc lãnh đạo của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với cơ quan thực hiện quyền lập pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Bên cạnh đó, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ cần hoàn thiện theo hướng tăng cường trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: Nhật Bắc

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: Nhật Bắc

Dự luật xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc trình những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội; xác định rõ những ngành, lĩnh vực cần có sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ như quốc phòng, an ninh, ngoại giao, tiền tệ...

Thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về chiến lược, quy hoạch ngành, vùng cũng được hoàn thiện. Hiện nay Thủ tướng đang quyết định theo Luật Quy hoạch, tuy nhiên Bộ Nội vụ cho rằng cần điều chỉnh cho thống nhất với thẩm quyền của Thủ tướng theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và chính sách phát triển ngành, vùng, trừ những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Bộ Nội vụ đề xuất hoàn hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ phù hợp với chức năng của cơ quan thực hiện quyền hành pháp, bảo đảm tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đối với các hoạt động quản lý nhà nước.

Chính phủ rà soát và kiến nghị với Quốc hội để xác định rõ những vấn đề quan trọng của đất nước và chính sách cơ bản (có tiêu chí lượng hóa cụ thể) do Quốc hội quyết định, trường hợp cần thiết thì đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội. Chính phủ sẽ chủ động đề xuất, bảo vệ chính sách trong việc thực thi quyền hành pháp; xây dựng ban hành các chính sách và quyết định các biện pháp thi hành để triển khai hiệu quả các quy định do luật định, bảo đảm phù hợp với yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia.

Địa phương quyết, làm, chịu trách nhiệm

Bộ Nội vụ cũng đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong các nội dung của đổi mới quản trị quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13, vừa là yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành chưa có quy định mang tính nguyên tắc chung để bảo đảm sự thống nhất về phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và giữa Chính phủ với chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Do đó, việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm giữa các chủ thể này tại các luật chuyên ngành chưa thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

Luật Tổ chức Chính phủ quy định Thủ tướng lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thì hành pháp luật, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều luật chuyên ngành hiện nay đang quy định trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể đối với Thủ tướng, dẫn đến việc người đứng đầu Chính phủ phải giải quyết quá nhiều công việc cụ thể thuộc phạm vi quản lý về ngành, lĩnh vực của các Bộ. Trong khi đó Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa thực hiện đúng và đủ vai trò là người đứng đầu giúp Chính phủ quản lý về ngành, lĩnh vực và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

"Thực trạng này chưa bảo đảm yêu cầu về đổi mới hoạt động của Chính phủ theo tỉnh thần Nghị quyết Đại hội 12, 13 của Đảng", Bộ Nội vụ kết luận.

Vì vậy, Bộ đặt mục tiêu bổ sung các quy định chung liên quan đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và xác định đây là quy định khung để rà soát sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành cho phù hợp.

Bộ cũng mong muốn xác định rõ nguyên tắc cấp nào làm thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn diện về nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đối với nhiệm vụ đã phân cấp cho địa phương thì thực hiện theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, đại phương chịu trách nhiệm". Chính phủ, các bộ, ngành chỉ tập trung quản lý vĩ mô, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các chủ thể quản lý.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung dân chủ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; nếu ai sợ trách nhiệm thì "đứng sang một bên".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Tuân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN