Đề xuất bổ sung dụng cụ cắt sắt cầm tay cho cảnh sát chữa cháy

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nếu lực lượng cứu hỏa có dụng cụ cắt sắt lắp pin sạc sẽ giải cứu người mắc kẹt nhanh hơn, nhất là với nhà có khung sắt chuồng cọp.

"Dụng cụ cắt sắt dùng pin sạc khá phổ biến, lại gọn nhẹ hơn rìu, xà beng, búa tạ, kìm cộng lực", ông Cảnh nói khi góp ý xây dựng dự án Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chiều 27/6.

Đại biểu Cảnh cho rằng đôi lúc rìu, xà beng, kìm cộng lực, không thể cắt được khung sắt mà phải cần đến dụng cụ cắt sắt cầm tay. Dụng cụ này kết hợp cùng mặt nạ chống khói, áo choàng chống cháy "sẽ đưa người mắc kẹt ra ngoài rất nhanh".

Theo quy định hiện hành, cảnh sát phòng cháy chữa cháy được trang bị các phương tiện như bình bột, bình khí chữa cháy xách tay, mũ, quần áo, giày, mặt nạ lọc độc, đèn pin, rìu, xà beng, búa tạ, kìm cộng lực, túi sơ cứu, cáng cứu thương, bộ đàm.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại Quốc hội chiều 27/6. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại Quốc hội chiều 27/6. Ảnh: Media Quốc hội

Áp dụng tiêu chuẩn thoát nạn "60 giây"

Đại biểu Cảnh đề cao vai trò then chốt của thoát nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người do hỏa hoạn. Ông đề xuất bổ sung khái niệm và quy định chi tiết về thoát nạn vào Luật Phòng cháy chữa cháy, góp phần nâng cao ý thức và đảm bảo an toàn cho người dân.

Với những công trình có nguy cơ cháy nổ cao, ông Cảnh đề nghị áp dụng tiêu chuẩn thoát nạn "60 giây", bắt buộc đáp ứng yêu cầu về thoát nạn. Theo đó, mọi người tại công trình cần được di chuyển ra bên ngoài hoặc sang nhà liền kề trong vòng 60 giây khi có sự cố xảy ra. Đây là "mốc thời gian vàng" để bảo vệ tính mạng của người dân vì một người bình thường có thể nín thở được một phút.

Theo ông, ngõ hẻm nhỏ len lỏi khắp nơi tại các đô thị tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nhưng lại là "điểm mù" cho xe chữa cháy chuyên dụng. Vì vậy ở nhiều nơi, cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã có sáng kiến biến tấu xe máy thành những "chiến binh cơ động" với kích thước nhỏ gọn, khả năng di chuyển linh hoạt, có thể len lỏi vào từng con hẻm sâu mà xe chuyên dụng không thể tới, tiếp cận đám cháy nhanh chóng, kịp thời. Hà Nội cũng ấp ủ dự án lắp đặt trụ nước cứu hỏa tại các ngõ hẻm.

"Sự kết hợp giữa hai giải pháp này hứa hẹn mang đến hiệu quả vượt trội, đảm bảo nguồn nước dập lửa dồi dào ngay tại khu vực, hỗ trợ đắc lực cho công tác chữa cháy, nên cần được nhân rộng", ông nói.

Trang bị dụng cụ phá dỡ tại lối thoát nạn

Dự thảo luật cũng đề xuất hàng loạt tiêu chí về phòng cháy với nhà ở như hệ thống điện, bếp đun, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn. Nhà ở phải có giải pháp thoát nạn, thiết bị, phương tiện phòng, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với điều kiện thực tế. Nhà ở kết hợp kinh doanh cần có thêm giải pháp ngăn cháy giữa khu vực ở với khu vực kinh doanh.

Với nhà ở không kinh doanh cần bố trí tối thiểu một lối ra thoát nạn (cửa ra) và đường thoát nạn (gồm hành lang, cầu thang bộ, buồng thang bộ) để toàn bộ người trong nhà thoát được ra bên ngoài hoặc sang nhà liền kề. Gia chủ cần trang bị dụng cụ phá dỡ tại gần vị trí lối ra thoát nạn.

Tình hình cháy nổ vừa qua diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Tại Hà Nội, tháng 9/2023, chung cư mini ở Khương Đình, quận Thanh Xuân bốc cháy làm 56 người chết, 37 người bị thương. Hôm 24/5, hỏa hoạn xảy ra ở ngôi nhà trên phố Trung Kính, quận Cầu Giấy làm 14 người chết, 6 người bị thương. Trong cả hai vụ, ngọn lửa đều xuất phát từ nơi ở kết hợp thuê trọ, nằm sâu trong ngõ nhỏ, nơi lực lượng chữa cháy khó tiếp cận.

Rà soát hơn 3.000 chung cư mini chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, lực lượng chức năng phát hiện 9.466 lỗi vi phạm, theo Phó giám đốc Công an Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dự ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN