Đề xuất bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới

Mặc dù đồng ý với đề xuất chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới, song Bộ Tư pháp cho rằng, cần có quy định để ngăn ngừa thái độ kỳ thị người đồng tính, tạo cơ sở pháp lý giải quyết các quan hệ về tài sản và con khi họ sống chung như vợ chồng.

Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình đang được lấy ý kiến, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số quan hệ về hôn nhân và gia đình đã và đang có trong thực tiễn nhưng chưa được Luật quy định hoặc quy định chưa cụ thể.

Tôn trọng người đồng giới

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay đang nổi lên vấn đề về quyền kết hôn của người đồng tính, vấn đề mang thai hộ, vấn đề ly thân, vấn đề quyền của vợ chồng trong việc xác lập chế độ tài sản ước định nhưng chưa được pháp luật hôn nhân và gia đình ghi nhận. Tình trạng này không chỉ dẫn đến hậu quả là Luật Hôn nhân và gia đình không kịp thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mà còn gây ra không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh hiện nay, bước đi phù hợp nhất của pháp luật Việt Nam là Nhà nước không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục của người đồng tính; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng của họ cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập và giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Đồng thời, cần có những quy định pháp luật thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của các quan hệ xã hội.

Trên quan điểm này, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình đã bãi bỏ Khoản 5 Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời bổ sung quy định về giải quyết hậu quả việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.

Đề xuất bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới - 1

Một triển lãm ảnh về cuộc sống của người đồng tính được tổ chức tại Hà Nội mới đây thu hút sự quan tâm của dư luận

Không can thiệp quá sâu

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, mục đích cuối cùng của hôn nhân là đi đến kết hôn, phát triển nòi giống. Bởi vậy, mà việc cho phép kết hôn đồng giới là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. “Cá nhân tôi không ủng hộ việc kết hôn giữa những người đồng tính nhưng nên có quy định cho họ được sống chung với nhau, đồng thời cộng đồng cần có cái nhìn khác với họ chứ không lên án, kỳ thị họ”, ông Phạm Quốc Anh nói.

Trong khi đó PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Phân tích dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, trong tương lai cũng nên có những quy định cởi mở hơn với những người đồng tính. “Xét về phương diện con người, họ cũng có nhu cầu và quyền được sống chung với người mà họ có tình cảm. Đồng ý là chưa cho phép họ kết hôn nhưng những tác động về luật pháp, về truyền thông cũng cần phải được thúc đẩy để giải quyết vấn đề giảm sự kỳ thị. Trong vấn đề giảm kỳ thị, thì chính những người đồng tính cũng cần phải có tiếng nói để xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn”, ông Bình nêu quan điểm.

Còn theo ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, với nhiều người thì quan hệ của những người đồng giới là không bình thường. Tuy vậy, do vấn đề nội tiết, cấu trúc cơ thể, việc giữa họ nảy sinh tình cảm là hoàn toàn là tự nhiên. “Trong quan niệm truyền thống thì hôn nhân là để duy trì nòi giống. Trong khi đó, người đồng tính thì không thể thực hiện chức năng duy trì nòi giống như tự nhiên được. Do đó, không nên thừa nhận quan hệ hôn nhân. Nhưng theo tôi, pháp luật cũng cần có những quy định để không can thiệp quá sâu vào việc họ sống chung với nhau”, ông Hùng đề xuất.

Cho phép sống chung trước, kết hôn sau

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhiều nước giải quyết vấn đề hôn nhân đồng giới một cách có lộ trình, trước hết thừa nhận quyền chung sống như vợ chồng của người đồng tính rồi sau đó mới có quy định về thừa nhận hôn nhân giữa những người này. Ví dụ, Canada thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính vào năm 1999, đến năm 2005 mới thừa nhận quyền hôn nhân giữa họ; Pháp thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính từ năm 1999 và đến năm 2013 mới thừa nhận hôn nhân đồng giới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thành (giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN