Đề xuất bỏ phí xe máy

Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phí sử dụng đường bộ với xe máy, địa phương ủng hộ để gỡ bớt gánh nặng cho người dân.

Ngày 29-5, khi thảo luận về dự án Luật Phí và lệ phí, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đề nghị rà soát lại việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy (gọi tắt là phí xe máy), nếu không hợp lý thì nên loại bỏ.

Xe dân mua, đường dân làm, sao thu phí?

ĐB Nguyễn Văn Minh (Đoàn TP.HCM) cho rằng không chỉ người dân mà nhiều ĐB cũng không đồng tình với việc thu phí xe máy. “Việc thu phí nghe đơn giản nhưng khi đi vào làm thì phải “đẻ” ra một bộ máy hoặc chức danh kiêm nhiệm để thực hiện. Khoản thu thêm chưa hẳn đã nhiều nhưng người dân thì bị thiệt thòi” - ĐB Minh nói.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đồng tình khi kể lại có người nói với bà là họ sắm một chiếc xe máy chỉ để đi chợ, cách nhà có mấy trăm mét thôi. Trong khi đó, đường thì người dân hiến đất, tiền làm đường dân đóng góp thì sao lại buộc đóng phí? ĐB Tâm thắc mắc: “Có người sắm 2-3 chiếc xe, chiếc để đi chơi, chiếc để đi làm nhưng không bao giờ dùng hết cả hai, ba xe. Vậy sao lại bắt người ta phải đóng phí cho cả ba xe được?”.

Tương tự, ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) cũng cho rằng để vận hành chiếc xe máy thì phải đổ xăng. Khi mua xăng người dân đã đóng phí, giờ lại thu phí nữa là tận thu. “Thêm nữa, chiếc xe máy thường gắn liền với cuộc sống của người nghèo, gắn chặt với mưu sinh mà vẫn thu thì có hợp lý không? Tôi đề nghị Bộ Tài chính nên rà soát lại để khi ban hành phù hợp với thực tế, lại khả thi khi thực hiện” - ĐB Ánh nhấn mạnh.

Đề xuất bỏ phí xe máy - 1

ĐB Trần Du Lịch đề nghị cho địa phương quyết định một số loại phí đặc thù. Ảnh: L.PHI

Mong chờ bãi bỏ

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phí và lệ phí, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bỏ một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp nhưng chi phí cho việc thu cao; bỏ một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân như phí xe máy.

Liên quan đến loại phí này, hầu hết các tỉnh, thành đã thực hiện, trừ TP.HCM. Hôm qua (29-5), trả lời Pháp Luật TP.HCM, một thành viên Quỹ bảo trì đường bộ TP.HCM cho biết theo quy định của UBND TP thì việc thu phí bắt đầu triển khai từ đầu tháng 5-2015. Dự kiến tuần tới quỹ sẽ triển khai cho các quận, huyện để thực hiện nhưng quá trình thực hiện sẽ gặp khó khăn bởi vì biện pháp chế tài thiếu. Nhiều khả năng mức thu phí sẽ không được nhiều, trong khi đó phải tốn kém nhiều chi phí để thu nên nếu không thu thì tốt nhất.

Theo ông Huỳnh Ngọc Thông, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 3 (quận 10, TP.HCM), phường đang chuẩn bị nhân sự, cách thu và chờ hướng dẫn thực hiện. “Việc thu phí không khó nhưng phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện. Người dân đóng phí để sử dụng đường bộ là bình thường vì nguồn thu cuối cùng cũng phục vụ lại cho họ. Mức phí đóng chỉ khoảng 50.000 đồng/năm nhưng nếu có vẫn tạo ra dư luận không hay nên cần cân nhắc, đánh giá hiệu ứng xã hội để nhận được đồng thuận từ người dân” - ông Thông nói.

Đồng tình, một lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè cho biết việc triển khai thu phí ở bước đầu tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, việc thu phí này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do vậy, nếu QH biểu quyết bãi bỏ thu khoản phí này thì rất đáng mừng vì sẽ giảm bớt gánh nặng cho người dân cũng như chính quyền địa phương.

Hãy “cởi trói” cho các địa phương

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, dự luật phí và lệ phí có nhiều điều khoản ràng buộc, không tạo điều kiện cho chính quyền địa phương được quyết định điều chỉnh, quản lý thiết chế đô thị. Bà Tâm cho rằng để cho dễ quản lý, phân cấp thì loại phí, lệ phí thu nộp trung ương thì trung ương cứ quy định, còn khoản nào để lại cho ngân sách địa phương thì địa phương được quyền quyết. “Theo dự luật thì không có một dư địa nào để cho TP.HCM hoặc các đô thị lớn đặt ra những mức phù hợp với địa phương. Cái chính không phải là thu nhiều hay ít mà là thu để điều chỉnh theo đúng ý đồ quản lý đô thị của địa phương đó nhưng trong dự thảo không phân cấp. Lĩnh vực phí và lệ phí là dễ phân cấp nhất mà không làm được nữa thì các lĩnh vực khác làm bằng cách gì” - ĐB Tâm nhấn mạnh.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Văn Minh đề nghị giao cho HĐND một số thẩm quyền nhất định trong việc đưa ra một số khoản phí, lệ phí và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Muốn thu một khoản nào đó lại phải có văn bản trình Thủ tướng, xin các cơ quan khác cho là không hợp lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phi - Việt Hoa (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN