Đề xuất bãi bỏ phí giao thông đối với xe máy

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí, trong đó có phí giao thông đối với xe máy.

Đề xuất bãi bỏ phí giao thông đối với xe máy - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Nân sách của QH Phùng Quốc Hiển đề nghị có thể bãi bỏ phí giao thông với xe máy

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật phí, lệ phí trước Quốc hội sáng nay 26.5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội (TC-NS) Phùng Quốc Hiển cho biết Ủy ban TC-NS đã đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí.

Theo ông Hiển, đây là những khoản phí có số thu thấp, chi phí hành thu cao; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè, phí giao thông đối với xe gắn máy...) nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí hành thu. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước rất khó khăn trong việc thu phí xe máy và số thu không lớn.

Về Danh mục phí, lệ phí kèm theo dự thảo luật bao gồm: 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí như Chính phủ đề xuất để tránh một số khoản phí trùng lắp với khoản thu khác, Ủy ban TC-NS cơ bản nhất. Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cho biết qua giám sát thực tế và làm việc với các bộ, ngành, danh mục phí, lệ phí quy định chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; chưa rõ về tên gọi với nội hàm của một số loại phí, lệ phí. “Vì vậy, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ tạo gánh nặng đóng góp cho người dân, Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, phân loại theo nhóm ngành cụ thể” - ông Hiển đề nghị.

Riêng viện phí, học phí, Ủy ban TC-NS nhất trí như Tờ trình của Chính phủ, chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ vì đây là loại phí tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư. Do vậy, Ủy ban TC-NS đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với loại phí này.

Về Lệ phí trước bạ, Ủy ban TC-NS cho rằng cơ chế thu Lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy được quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu, chưa bình đẳng về nghĩa vụ của công dân trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban TC-NS đề nghị cần quy định tỷ lệ thu về một mức đối với từng loại tài sản để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.

Còn tình trạng lạm thu, bỏ sót nguồn thu

Theo đánh giá của Ủy ban TC-NS, chế độ quản lý thu, nộp, sử dụng các khoản phí, lệ phí hiện hành thiếu thống nhất, nhiều khoản thu, chi từ phí, lệ phí chưa đúng các quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng lạm thu hoặc bỏ sót nguồn thu, sử dụng lãng phí, thiếu minh bạch, công khai, công bằng và hiệu quả”

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng trong phần thuyết minh về dự án Luật phí, lệ phí cũng nhìn nhận một số cơ quan hành chính có thu thì số phí, lệ phí để lại để trang trải các chi phí thu và chi phí hoạt động. “Điều này, dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm soát, hạch toán thu - chi ngân sách nhà nước” - ông Dũng nói.

Ngoài ra, một số dịch vụ công do cùng cơ quan cung cấp nhưng quy định thu 2 khoản, theo ông Đinh Tiến Dũng, điều này làm tăng thủ tục hành chính, tăng chi phí thu nộp cho cả cơ quan thu và người nộp.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ph.Anh (Người lao động)
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN