Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú

Kết thúc 180 phút làm bài thi, nhiều thí sinh cho biết, đề thi môn Văn không khó, kiến thức đều nằm trong chương trình ôn luyện. Trong phần đọc hiểu, đề thi đề cập đến hình ảnh người lính ở Trường Sa và Hoàng Sa. Nội dung này tạo cảm hứng cho nhiều thí sinh thể hiện tình cảm của mình đối với người lính biển đảo.

Thí sinh Hà Nội thích thú với đề Văn

Sáng ngày 2.7, thí sinh trên cả nước tiếp tục làm bài thi môn Ngữ văn. Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm. Phần lớn thí sinh cho rằng, đề thi năm nay bám sát chương trình học.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 1

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 2
Đề thi môn Văn 

Ra khỏi phòng thi cùng với tâm trạng vui vẻ, Nguyễn Mạnh Tuấn, học sinh trường THPT Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, đề thi có hai phần, phần 1 đọc hiểu gồm có 8 câu hỏi; phần làm văn  có 2 câu hỏi.

Trong phần đọc hiểu, có câu hỏi về đoạn thơ trong bài “Hát về một hòn đảo” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đề thi hỏi cuộc sống gian khổ và nguy hiểm trên đảo của người lính được miên tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào. Đoạn thơ đã gợi cho anh chị tình cảm gì đối với người lính đảo.

“Em đã lấy hình ảnh có người ngã trước cá mập; chúng tôi đứng trần trụi giữa trời; đứa ở đồng chua, nước mặn để nói về hình ảnh gian khổ và nguy hiểm của người lính. Câu hỏi về chủ đề biển đảo khiến nhiều thí sinh thấy thích thú, đặc biệt qua chủ đề này, thí sinh hiểu và bày tỏ được tình cảm của mình với người lính đảo”, Tuấn chia sẻ.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 3

Thí sinh dự thi tại điểm thi trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra khỏi phòng thi sớm 

Lê Văn Tiến, học sinh trường THPT Bắc Thăng Long, Hà Nội cho hay, em đã hoàn thiện bài thi của mình xong trước thời gian quy định. Tiến vẫn còn thừa 15 phút đề soát lại bài.

“Trong câu hỏi nghị luận, đề thi yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn khoảng 600 từ nói về việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức. Trong phần bài làm em đã chứng minh cho việc rèn luyện kỹ năng sống bằng các ý; phải tăng cường tham gia các hoạt động để tích lũy kinh nghiệm, qua đó ứng dụng vào thực tế; tự tạo cho mình cơ hội bằng cách học tập, cống hiến, thể hiện năng lực của mình ở nơi làm việc để vươn lên…”, Tiến chia sẻ.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 4

Nhiều thí sinh kết thúc buổi thi Văn với tâm trạng khá thoải mái

Tại cụm thi Đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh Đinh Thị Thùy Lâm (Xuân Trường- Nam Định) cho biết: “Dạng đề này em chưa được ôn trên lớp, do thầy cô dựa vào đề thi minh họa để hướng dẫn chúng em ôn tập. Do vậy, khi vừa nhận được đề thi em khá bất ngờ”.

Theo em Lâm, để làm được đề môn Ngữ văn phải hiểu được tác phẩm, nhân vật, tác giả. Trong đề nói về người lính nơi đầu sóng ngọn gió để làm được câu này phải có kiến thức liên hệ từ cuộc sống.

Tại điểm thi trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, thí sinh Quách Đức Thắng, học sinh trường THPT Dân lập Phương Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội thi tại điểm thi trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội ra khỏi phòng thi trước khoảng 30 phút. Thắng khá tự tin với bài thi của mình. Theo Thắng, đề thi năm nay dễ hơn mọi năm, nội dung phù hợp với các thi sinh, kể cả thí sinh có năng lực học tập thấp.

“Câu hỏi nghị luận xã hội nói về hiện tượng vô cảm trong xã hội hiện nay không phải là vì sự thách đố. Trong xã hội, thí sinh đều gặp và thấy rất nhiều người có thái độ này. Do đó, thí sinh không quá khó để suy nghĩ hay tìm ra luận điểm để làm bài thi”, Thắng nói.

Thí sinh Nguyễn Thị Nhung, Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội dự thi tại cụm thi Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, đề thi năm nay không quá khó, các câu hỏi đều ở mức cơ bản. Câu hỏi rèn luyện kỹ năng sống và tích lũy kiến thức mang tính chất vận dụng cao. Đây là câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức sâu rộng và thực tiễn cuộc sống mới làm tốt được.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 5

Thí sinh thi môn Văn tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội 

“Đối với em, phần làm văn khó hơn, phần này chia làm hai câu hỏi, câu hỏi 1, nghị luận về việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức. Ngoài ra, câu hỏi 2,  nêu cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài. Với hai câu hỏi này, thí sinh phải có kiến thức cơ bản, học chắc kiến thức cơ bản trên lớp sẽ làm bài tốt”, Nhung chia sẻ.

TPHCM: Nhiều thí sinh hoàn thành bài thi sớm

Ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, ngay sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi THPT Quốc gia sáng nay (2.7), rất nhiều thí sinh đã ra khỏi khu vực thi.

Những thí sinh ra đầu tiên cho biết, "đề Văn bình thường, không lạ”, và hầu hết đều tự đánh giá đạt khoảng 50% bài làm.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 6

Những thí sinh đầu tiên ra khỏi trường thi

Thí sinh Trần Hải (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết, đề thi có 3 phần. Phần 1 của đề cho 2 đoạn văn: Đoạn văn đầu tiên có 4 câu hỏi và đoạn văn thứ hai có 5 câu hỏi liên quan.

Sau đó là phần phân tích tác phẩm, yêu cầu phân tích hình ảnh người đàn bà làng chài trong một đoạn trích của tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Cuối cùng, phần nghị luận xã hội có chủ đề “trau dồi kỹ năng sống cũng giống như trau dồi kiến thức”.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 7

Một tốp các thí sinh của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Hai thí sinh Anh Tuấn và Nguyễn Quân hứng khởi chia sẻ về cách làm phần nghị luận xã hội của mình với những dẫn chứng sát với cuộc sống của các em.

Thí sinh Anh Tuấn nói: “Em hay tham gia cắm trại tại trường và địa phương nên em đã đưa dẫn chứng việc tham gia các buổi cắm trại, dựng lều trại, đốt lửa trại. Việc tham gia các hoạt động này sẽ giúp năng cao kỹ năng sống”.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 8

Thí sinh sôi nổi trao đổi cách làm bài phần nghị luận xã hội. 

Còn thí sinh Nguyễn Quân thì dẫn chứng về kỹ năng sơ cứu người bị thương hay hô hấp nhân tạo cho người bị đuối nước.

Tự đánh giá mình hoàn thành tốt bài thi Văn, em Như Hằng cho biết, em chỉ tốn 15 phút để làm Phần 1 (gồm 8 câu), sau đó em dành khoảng 1 tiếng cho câu phân tích tác phẩm và hơn 1 tiếng cho phần phần nghị luận xã hôi. Đặc biệt, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” trong đề thi THPT Quốc gia này cũng từng xuất hiện trong đề thi học kỳ 2 của Trường THPT Hoàng Hoa Thám mà Hằng đã theo học. Hằng tự tin mình sẽ đạt kết quả tốt ở bài thi này.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 9

Thí sinh Như Hằng (bên phải) tự tin với bài thi môn Văn sáng nay.

Tại điểm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng, dù mới được hơn 2/3 thời gian thi nhưng có khá nhiều TS ra khỏi phòng thi. Em Lê Ngọc Phương Uyên, học sinh Trường THPT Cần Giuộc (tỉnh Long An) nhận định: Đề thi năm nay khá dài nhưng không quá khó, không đánh đố học sinh và khá mở. Cụ thể, em thích tính thời sự của câu hỏi về người lính biển đảo, cũng thích phần nghị luận xã hội về kỹ năng sống, em làm rất tốt đầy đủ dẫn chứng ở cả hai vế này. Riêng phần thi nghị luận văn học với tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa em" em cũng có ôn nhưng không có kỹ nên làm khá sơ sài. Dù vậy, em vẫn tự tin có thể đạt được 6-7 điểm.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 10

Thí sinh làm bài thi môn Văn tại điểm thi Trường ĐH Tông Đức Thắng

Cũng khá hồ hởi với đề Văn, TS Trần Quang Duy (Bình Thuận), thi tại điểm thi này cho biết: "Em khá ấn tượng với cách ra đề năm nay ở môn Văn. Đề nhắc đến các vấn đề thời sự như bệnh vô cảm, kỹ năng sống nên em làm khá tốt, có nhiều dẫn chứng vì những đề bài kiểu này đã được ôn tập nhiều và thấy ra nhiều qua các đợt thi trước. Ở bài "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu nói về thân phận của người đàn bà hàng chài thì cũng khá dễ phân tích bởi nó liên quan đến tình cảm gia đình. Em nghĩ đạt khoảng 70% - 80% số điểm ở môn này".

Thí sinh Đà Nẵng: Đề Văn bám thời sự, xã hội

Trong buổi sáng ngày thi thứ 2 kỳ thi THPT Quốc gia, thời tiết Đà Nẵng vẫn khá oi bức và ngột ngạt. Theo ghi nhận của PV Dân Việt qua một số hội đồng thi trên địa bàn, các TS đều có chung nhận định đề thi năm nay dễ, vấn đề vô cảm ở xã hội hiện nay cũng là vấn đề mà giới trẻ quan tâm.

Tại HĐT Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm, rời phòng thi khi thời gian làm bài chưa kết thúc, TS Trần Lê Uyên Vy – học sinh trường THPT Phan Châu Trinh cười tươi cho biết, đề năm nay khá dễ, câu về "Chiếc thuyền ngoài xa" em cũng ôn khá kỹ nên rất tự tin.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 11

Tại một số điểm thi ở TP.Đà Nẵng, nhiều thí sinh ra về sớm khi chưa hết 180 phút làm bài thi môn Văn. 

TS Trần Việt Tú, lại rất thích đề Văn năm nay, nhất là câu về vấn đề vô cảm trong xã hội hiện nay. “Giới trẻ như bọn em bắt gặp ngày càng nhiều sự vô cảm trong xã hội, đây là vấn đề đáng để chúng ta suy ngẫm và tìm câu trả lời tại sao lại như vậy. Chính vì vậy, với câu hỏi này, em thấy rất thoải mái khi được diễn giải theo suy nghĩ và cách nhìn nhận của mình”.

Tại một số điểm thi khác như Trần Phú, Phan Châu Trinh, nhìn chung, TS đều kết thúc làm bài thi môn Văn khá sớm. Ghi nhận ý kiến chung của một số TS đều cho rằng, thi môn Văn cảm giác nhẹ nhàng hơn các môn thi khác và chỉ cần đạt đủ điểm để tốt nghiệp là được rồi.

Thí sinh Khánh Hòa: Đề Văn dễ

Vừa hoàn thành xong bài thi, em Phạm Thị Bích Hoa (trường THPT Phan Bội Châu, Nha Trang) cho biết, mặc dù môn văn không phải là môn sở trường của em, nhưng em cảm thấy đề văn rất dễ kiếm điểm, chỉ cần hơn 2 giờ là em hoàn thành bài thi, em làm bài đạt trên 75%.

Còn em Trần Vũ Ngọc Anh (Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Nha Trang) chia sẻ, đề thi rất dễ đối với em, vì trong đề này có 2 phần nằm trong sách giáo khoa và ngoài xã hội. Trước kỳ thi này em đã học tập rất kỹ và nghiên cứu thêm các tài liệu qua các phương tiện thông tin đại chúng nên vào đề thi em làm được ngay, em làm trên 65%. Theo em, đề thi này các học sinh trung bình cũng rất dễ kiếm điểm.    

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 12

Thí sinh tại cụm thi Nha Trang (Khánh Hòa) vừa kết thúc bài thi môn Văn

Thanh Hóa: Xuất hiện nhiều “phao” thi ở ngoài cổng trường

 

 

Sáng 2.7, điểm thi Đ12, kỳ thi THPT Quốc gia, tại Trường THPT Đông Sơn 2 (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), sau khi kết thúc môn thi ngữ Văn, ở khu vực ngoài cổng trường đã xuất hiện nhiều “phao” thi do thí sinh vứt bỏ.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 13
Điểm thi Trường THPT Đông Sơn 2 

 

Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí, ông Dương Đình Hoán - Quyền Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa), cho biết: Sự việc xuất hiện các thí sinh vứt bỏ tài liệu thi ở ngoài cổng trường THPT Đông Sơn 2 vào cuối buổi sáng ngày 2.7 là có thật. Tuy nhiên, theo ông Hoán giải thích, việc các thí sinh ném bỏ “phao” thi ở phía ngoài cổng trường là do các em không thể mang tài liệu vào phòng thi được. Vì thế, sau khi hết giờ thi, các em trở lại nơi gửi đồ, túi xách của mình và tự mang ra ngoài cổng trường ném bỏ. Do vậy, hội đồng thi không thể xử lý các thí sinh đã ném bỏ tài liệu thi ở ngoài cổng trường được.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 14
“Phao” thi trắng cổng trường sau giờ thi môn Văn 

 

“Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã quán triệt với Hội đồng thi này, để tuyên truyền cho thí sinh không được vứt bừa bãi những tài liệu mà các em đã không được đem vào phòng thi, tránh gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và phản cảm ở phía ngoài khu vực thi”- ông Hoán nói.

 

 

Đà Nẵng: Bố tìm con khắp trường do quên giấy dự thi, CMND

Ngày 2.7, tại HĐT trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, một phụ huynh tên Nguyễn Văn Ban phải chạy đôn đáo đi tìm con để đưa thẻ dự thi và chứng minh nhân dân do quên mang theo vào phòng thi.

Do không được mang điện thoại vào phòng thi nên phụ huynh không thể gọi cho con. Trong lúc hoảng loạn, ông Ban đã chạy đi chạy lại từ tầng 1 lên tầng ba để tìm con nhưng vẫn không thấy . Trong khi đó, con trai ông là thí sinh Nguyễn Anh Nguyên cũng đi tìm cha. Đến thời điểm 7 giờ 45 phút, phụ huynh Ban được hướng dẫn xuống phòng bảo vệ nhờ sự giúp đỡ.

Đề Văn về người lính Trường Sa, Hoàng Sa, sĩ tử thích thú - 15
Ông Ban hốt hoảng mượn điện thoại gọi về nhà cho người thân trợ giúp.  

Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ và giám thị đã đưa giấy tờ tùy thân để thí sinh kịp vào làm bài thi. “Đưa cón đi thi, khi con vào rồi, trong lúc ngồi ở ngoài, thấy giấy tờ của con nằm trong túi, tôi cuống quá chạy đi tìm phòng thi của con nhưng bất thành, cuối cùng được hướng dẫn nhờ sự trợ giúp của giám thị và bảo vệ. May quá, không thì con tôi không được dự thi môn sáng nay” – ông Ban chia sẻ.

Quảng Ninh: Đau bụng dữ dội, cán bộ đang coi thi phải nhập viện

Đang trong thời gian làm bài, cô giao Nguyễn Thị Thanh Huyền, cán bộ coi thị điểm trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bất ngờ bị đau bung dữ dội phải đưa ngay đi cấp cứu tại bệnh viện.

Theo các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, sau khi đưa vào viện sức khỏe cô Huyền hiện tại đã ổn định.

Tại điểm trường THPT Hoành Bồ, phóng viên ghi nhận hoạt động thi cử ở đây diễn ra khá nghiêm túc. Các thí sinh đều tỏ ra rất thoải mái khi thời gian thi môn Ngữ văn kết thúc.

Thầy Nghĩa, điểm thi trường THPT Hoành Bồ cho biết, điểm thi có 284 thí sinh của 3 trường THPT trên địa bàn tham dự với 12 phòng thi. Môn Ngữ Văn điểm trường có thi sinh Nguyên Thị Minh Thảo (Trường THPT Hoành Bồ) được đặc cách không phải thi vì lý do sức khỏe, 1 thí sinh bỏ thi không rõ nguyên nhân.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Ninh, toàn tỉnh có 7163 thí sinh đăng ký thi môn Văn, nhưng chỉ có 7137 thí sinh tham dự. Như vậy, số lương thí sinh bỏ thi là 22 vẫn với nguyên nhân ốm và không rõ nguyên nhân.

Đăk Lăk: Gần 300 thí sinh bỏ thi môn Văn

Sáng nay (2.7), tại cụm thi ĐH Tây Nguyên và cụm thi của Sở GD-ĐT tại Đăk Lăk có đến 289 thí sinh bỏ thi môn Văn không lý do. Ngoài ra tại cụm thi do trường ĐH Tây Nguyên chủ trì đã có một thí sinh đã mang điện thoại vào phòng thi. Khi phát hiện sự việc, thí sinh này đã bị đình chỉ thi. 

Hà Nội: Một thí sinh bị đau ruột thừa phải đi cấp cứu

Thông tin này được ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch Hội đồng thi cụm thi số 7 Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) vừa cho biết cách đây ít phút. 

Buổi thi môn Toán sáng qua (1.7), tại điểm thi Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ- điểm thi của Đại học Lâm nghiệp, có một thí sinh làm hết 2/3 thời gian thì bị đau bụng dữ dội. Em này đã được nhân viên y tế của Trường  xử lý ban đầu, sau đó đưa đến trạm y tế của thị trấn và được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Quân đội 103. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy em bị đau ruột thừa và đã được mổ kịp thời lúc 21 giờ 30 tối qua. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, với trường hợp thí sinh này không thể tiếp tục thi các môn còn lại, sau khi xuất viện em ấy có thể làm các thủ tục để xin xét đặc cách tốt nghiệp THPT. 

Trong ngày thi đầu tiên, ghi nhận tại các điểm thi của Hội đồng thi Trường ĐH Lâm nghiệp, có 2 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi. Trong đó, có 1 thí sinh mắc lỗi mang điện thoại vào phòng thi và một thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Cả hai thí sinh này đều ở điểm thi Trường THPT Xuân Mai. Ngoài ra có một thí sinh vi phạm quy chế thi bị khiển trách. 

Buổi thi môn Ngữ văn sáng nay, 17 điểm thi của ĐH Lâm nghiệp có 10.103 thí sinh đến dự thi trên tổng số đăng ký là 10.210 thí sinh đăng ký.  Đến thời điểm này, tình hình thi tại 17 điểm trường diễn ra bình thường, không có em nào đến muộn hay có vấn đề về sức khỏe. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm P.V ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN