Để tránh "vỡ trận", sẽ đăng ký tiêm vắc xin qua mạng

Sau sự cố xếp hàng từ đêm, chen lấn đến nghẹt thở để lấy số tiêm tại điểm tiêm vắc xin 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội), Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã họp khẩn, đồng thời thống nhất cách triển khai.

Để tránh "vỡ trận", sẽ đăng ký tiêm vắc xin qua mạng - 1

Cán bộ Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý dược, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Sở Y tế Hà Nội gặp mặt báo chí cung cấp thông tin

Sáng sớm 25.12, hàng trăm người đứng xếp hàng tại phòng tiêm chủng thuộc BV Đại học Quốc gia Hà Nội (182 Lương Thế Vinh) để đăng ký tiêm vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim) gây ra cảnh hỗn loạn, thậm chí có người ngất xỉu vì chen lấn.

Trước tình trạng đó, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí, trả lời về các vấn đề liên quan.

PGS. TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay nước ta tiêm gần 30 loại vắc xin, trong đó tiêm chủng mở rộng là 12 loại, còn lại là tiêm dịch vụ. Chương trình tiêm chủng vắc xin mở rộng của nhà nước vẫn cung cấp đầy đủ vắc xin Quinvaxem miễn phí cho người dân. Nhưng nhiều người vẫn lựa chọn vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim) và 6 trong 1 (Infanrix Hexa) bởi vắc xin này có chứa thành phần ho gà vô bào. Còn thực tế, thành phần của vắc xin Quinvaxem tương đương với vắc xin Pentaxim.

Mỗi năm nước ta có khoảng 4,5 triệu liều tiêm vắc xin Quinvaxem và có dưới 10% là tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1. Vắc xin dịch vụ nước ta chỉ tiêm trong vài năm gần đây, còn vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng từ năm 2010.

Việc người dân chen lấn, xô đẩy để đăng ký tiêm vắc xin 5 trong 1 cho con là do yếu kém ở khâu tổ chức, đăng ký. Bộ Y tế đã họp bàn và sắp tới sẽ đưa ra phương án đăng ký tiêm chủng qua website nhằm để các gia đình không phải bế con đi chầu chực đăng ký tiêm, hạn chế việc thuê người xếp hàng, cò kéo, buôn bán vắc xin.

Bộ Y tế cũng quán triệt các điểm tiêm chủng cần phải phục vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức đảm bảo khoa học và an toàn khi tiêm chủng. Nghiêm cấm lợi dụng việc khan hiếm vắc xin dịch vụ để đẩy giá hoặc tuồn vắc xin từ cơ sở nhà nước ra ngoài.

Ông Phu chia sẻ, vào thời điểm giao mùa, trẻ rất dễ mắc bệnh nên gia đình chú ý, nếu cứ chờ đợi tiêm vắc xin 5 trong 1 sẽ có nguy cơ bùng phát dịch. Hơn nữa, nếu trẻ tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 không được tiêm mũi nhắc lại thì khả năng mắc bệnh rất cao. Do đó, nếu trẻ tiêm 1 mũi 5 trong 1 mà không có vắc xin thì sẽ chuyển sang tiêm Quinvaxem. Trong khoa học có thể tiêm 2 loại vắc xin này thay thế nhau.

Tại buổi họp, Tiến sĩ Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược cho hay, trong năm 2015, nước ta có tổng 200.000 liều vắc xin 5 trong 1. Trong đó, có 160.000 liều về trong tháng 12, còn 40.000 liều sẽ về Việt Nam vào tháng 2.2016. Có 161 điểm tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 trên toàn quốc, ở Hà Nội có 17 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN