Dê nhầm nhà, gà đi lạc: "Cái gì cũng ăn được của dân"
Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, chuyện "dê nhầm nhà, gà đi lạc" gây thói quen rất xấu "cái gì cũng ăn được của dân".
Vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến chuyện cán bộ xã lấy 1.200 con gà giống chia nhau để nuôi thay vì đem phát cho 6 hộ dân nuôi thí điểm theo mô hình giảm nghèo bền vững tại xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Ảnh minh họa.
Giới truyền thông gọi hai vụ việc trên là “dê nhầm nhà, gà đi lạc”.
Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, câu chuyện “dê nhầm nhà, gà đi lạc” rất tiếc không phải là chuyện cá biệt. Lâu nay, dư luận và người dân nhiều nơi vẫn phản ánh chuyện cán bộ ăn chặn của người nghèo.
Theo bà An, chính sách xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo. Một trong những yêu cầu của chủ trương là tiền phải đến tay người dân. Tuy nhiên, qua việc “con gà, con dê” cho thấy, yêu cầu trên đã không làm được.
Chuyện "con gà, con dê" tưởng là nhỏ, nhưng đó chính là phương tiện sinh sống cứu rất nhiều gia đình nghèo để họ duy trì cuộc sống, cho con cái đi học...
“Là cán bộ, không cho dân thì thôi, lại lấy của người nghèo là có tội lớn, không phải chuyện nhỏ, cần xử lý thích đáng”, đại biểu Bùi Thị An bày tỏ.
Đại biểu An cũng cho rằng, những chuyện ăn chặn như vậy gây thói quen rất xấu, “cái gì cũng ăn được của dân”, như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng từng nói “ăn của dân không từ cái gì”.
Theo bà An, qua sự việc trên cho thấy, phẩm chất, chất lượng cán bộ có vấn đề. Bên cạnh đó, cấp quản lý cao hơn chưa thực hiện giám sát đầy đủ, do vậy dẫn đến chuyện lúc báo chí đưa tin, dân kêu lãnh đạo địa phương mới biết.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, không nên coi những chuyện tiêu cực trên là “tham nhũng vặt”. Đây là những hành vi ăn chặn của người dân, nhất là người nghèo, là điều “đáng xấu hổ” cho những người nhân danh là cán bộ.
“Đây là hành vi tham nhũng. Cái nhỏ còn ăn của dân, vậy thì cái lớn thế nào?”, ông Hùng nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, theo kinh nghiệm phòng chống tham nhũng, thông thường trong phòng chống tham nhũng có 3 giải pháp: Hệ thống pháp luật chặt chẽ để không thể tham nhũng; hình phạt thích đáng để không dám tham nhũng và làm cách nào để họ không muốn tham nhũng.
Với các trường hợp “dê nhầm nhà, gà đi lạc” trên, ông Hùng cho rằng nên có cách xử lý thích đáng, vừa đủ sức răn đe, vừa để cán bộ sau này không muốn tái phạm.
“Đồng thời, các cấp lãnh đạo phải lo đến đời sống và giáo dục phẩm chất để cán bộ không còn tiêu cực kiểu ấy nữa”, ông Hùng nói.
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])