Đề nghị xem xét bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế
Vấn đề mở cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế đã được đặt ra tại Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế hôm nay.
Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế diễn ra tại Hà Nội chiều 24/1 cho thấy nhiều trăn trở của những người làm du lịch. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các tỉnh thành.
Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh Giang Huy
Thí điểm vẫn còn nhiều bất cập
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch đạt 10% GDP.
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đã khiến không chỉ Việt Nam mà cả các quốc gia khác đều chịu tác động nặng nề về kinh tế, xã hội. Trong đó, du lịch bị thiệt hại hết sức nặng nề, thậm chí được dùng những từ như “đóng băng”, “xuống đáy”.
“2 năm qua, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương có nhiều cố gắng, tìm các hướng đi và giải pháp tích cực, để du lịch như một chiếc lò xo nén. Hiện tại, chúng ta cũng đưa ra những thông điệp, dự báo, cùng với việc bao phủ tiêm chủng vaccine. Đây là cơ hội để xem xét mở cửa thị trường du lịch”, Bộ trưởng Hùng nói.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh thông tin, Việt Nam đã thực hiện chương trình thí điểm đón khách quốc tế với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệt quả đại dịch Covid-19”.
Hội thảo được kết nối trực tuyến tới nhiều tỉnh thành trên cả nước
Lộ trình thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vaccine” bước đầu được thực hiện tại 5 địa phương Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Kết quả trong giai đoạn 1, số lượng khách du lịch quốc tế tính đến ngày 23/1, đã đón được 8.500 khách đến 3 địa phương Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam.
Chương trình thí điểm có nhiều kết quả tích cực, để các địa phương và doanh nghiệp du lịch hoàn thiện phương án đón khách du lịch đảm bảo “thích ứng an toàn” chống dịch, từ đó xây dựng phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội khác trên địa bàn phù hợp với điều kiện bình thường mới.
“Tuy nhiên, vẫn có nhiều bất cập còn tồn tại như: Việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại, thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm; Quy định với du khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia các chương trình du lịch trọn gói, tại các điểm được chỉ định sẵn, trong thời gian tối thiểu 7 ngày gây khó khăn trong việc thu hút khách nghỉ dài ngày; Chưa quy định được đón khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ và đường biển – hai hình thức tiềm năng…”, ông Khánh cho hay.
Từ đó, Tổng Cục Du lịch đề xuất lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế mới theo hai giai đoạn.
Cụ thể, từ nay đến 30/4/2022: Tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2. Từ 01/5/2022: Mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Đề nghị xem xét bỏ cách ly với khách quốc tế
Hội thảo có nhiều ý kiến từ những chuyên gia y tế, các bộ ban ngành liên quan, các địa phương trong vấn đề mở cửa du lịch.
Theo ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang đã thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc với hơn 10 chuyến bay và có hơn 1200 khách quốc tế. Trong tháng 1 còn 6 chuyến bay với 1200 khách. Tháng 2 dự kiến có 5 chuyến bay và khoảng 1000 khách.
Tuy nhiên, vẫn có khách dương tính với Covid-19, đặc biệt những khách đến từ Kazakhstan. Tỉnh Kiên Giang đề xuất trước mắt, tập trung khai thác khách từ những thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…, tạm dừng đón khách từ Kazakhstan cho đến khi thị trường này ổn định.
Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là một trong những địa phương đã thí điểm đón khách quốc tế ở giai đoạn 1
Ông Trung cũng kiến nghị cho địa phương chủ động các lữ hành đón khách, giảm bớt các khâu thủ tục phiền hà. Đồng thời, chỉ cho phép khách nhập cảnh vì mục đích du lịch, có mua bảo hiểm và đi theo gói đăng ký tour lữ hành. Ngoài ra, Bộ VH,TT&DL cũng cần có hướng dẫn chung cụ thể để các địa phương cùng áp dụng triển khai, tránh mỗi địa phương một kiểu.
Lãnh đạo của nhiều địa phương cũng đề xuất mở cửa hoàn toàn du dịch quốc tế. Đồng thời, nên mở sớm để có thời gian làm công tác chuẩn bị, khởi động các điểm du lịch, cơ sở lưu trú…
Đặc biệt, Hà Nội “đề nghị xem xét, bỏ cách ly với những khách du lịch đã tiêm đủ mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Quy định chỉ là khách phải thực hiện 5K, tự chịu trách nhiệm về những nội dung trên”.
Ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ủng hộ mở lại du lịch quốc tế. Theo ông Sơn, theo quy định, khách trước khi lên tàu bay phải có giấy xét nghiệm PCR, nhưng hiện nay đang có quy định phải test nhanh trước khi lên và sau khi xuống tàu bay. Điều này khiến sân bay bị tắc nghẽn.
“Cứ giữ quy định như vậy sẽ là một rào cản và rất vất vả. Nếu vẫn phải test nhanh, chúng tôi đề nghị không nên test ở sân bay, mà tổ chức test ở các địa điểm du lịch”, ông Sơn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vietnam Airlines đề nghị bắt đầu tuyên bố nhận khách du lịch từ 1/2/2022
Về phía doanh nghiệp, ông Trịnh Hồng Quang – Phó TGĐ Vietnam Airlines đề nghị bắt đầu tuyên bố nhận khách du lịch từ 1/2/2022, đồng thời phải dứt khoát về vấn đề visa.
“Muốn có khách du lịch vào tháng 5, tháng 9 thì ngay từ giờ, chúng ta phải công bố để khách các nước chuẩn bị. Chúng tôi đồng ý kiến nghị không cách ly khách du lịch. Cần có quy trình y tế thống nhất để xử lý các trường hợp F0, từ việc cách ly ở đâu, chữa trị thế nào để khách quốc tế yên tâm”, ông Quang nói.
Người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm thực hiện 5K,...
Nguồn: [Link nguồn]